Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu cho các doanh nghiệp. Không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội to lớn. Hãy cùng IEIT tìm hiểu lợi ích và những bước cần thiết để có thể xây dựng chuỗi cung ứng bền vững qua bài viết dưới đây:
1. Lợi ích “vàng” của Chuỗi cung ứng bền vững
1.1 Nâng cao hình ảnh thương hiệu
Theo một khảo sát của Cone Communications, 83% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm được sản xuất một cách bền vững. Doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững sẽ thu hút khách hàng tiềm năng, đặc biệt là giới trẻ và những người quan tâm đến môi trường, từ đó nâng cao hình ảnh thương hiệu và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Tham khảo Hội thảo: Chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng nhìn từ góc độ quản lí mua hàng được tổ chức bởi viện IEIT
1.2 Tối ưu hóa chi phí
Việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu lãng phí, tiết kiệm năng lượng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và vận hành, nâng cao lợi nhuận và cải thiện khả năng cạnh tranh.
1.3 Tăng năng suất lao động
Nghiên cứu của Harvard Business School chỉ ra ràng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh có thể tăng năng suất lao động lên đến 20%. Doanh nghiệp xây dựng Chuỗi cung ứng bền vững sẽ cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, từ đó nâng cao tinh thần làm việc và hiệu quả công việc.
1.4 Quản lý rủi ro hiệu quả
Biến đổi khí hậu, giá cả nguyên vật liệu leo thang, gián đoạn chuỗi cung ứng là những rủi ro tiềm ẩn mà doanh nghiệp phải đối mặt. Xây dựng Chuỗi cung ứng bền vững là tiền đề giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng thích ứng, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo hoạt động ổn định và bền vững trong môi trường kinh doanh đầy biến động.
Tham khảo bài viết: 3 mục tiêu cho chiến lược phát triển bền vững
2. Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững: Xu hướng và giải pháp
Để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững hiệu quả, doanh nghiệp cần thực hiện cơ bản 6 bước sau:
2.1 Đánh giá hiện trạng chuỗi cung ứng:
Điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững là khả năng đánh giá và xác định các tác động bên ngoài ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hiện tại. Những tác động có thể kể đến như yếu tố môi trường, thị trường, xã hội và kinh tế của chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ đánh giá độ bền vững của chuỗi cung ứng thông qua các công cụ như: BSCI, SA8000, ISO 14001, v.v.
2.2 Thiết lập mục tiêu và chiến lược phát triển chuỗi cung ứng bền vững
Sau khi đánh giá được hiện trạng chuỗi cung ứng của doanh nghiệp mình, bước tiếp theo cần làm là xác định được mục tiêu cụ thể dựa theo cân đối mục tiêu bền vững của chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp có thể giảm phát khí thải nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo, hoặc tiết kiệm tài nguyên. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải phát triển chiến lược dài hạn thực hiện mục tiêu, bao gồm các hoạt động, dự án và nguồn lực cần thiết.
2.3 Lựa chọn nhà cung cấp bền vững
Một chuỗi cung ứng bền vững cần có một nhà cung cấp bền vững. Doanh nghiệp sau khi thiết lập được mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng sẽ cần hợp tác với các nhà cung cấp có cam kết thực hàng sản xuất thân thiện với môi trường và đảm bảo điều kiện lao động an toàn, công bằng. Doanh nghiệp cần có những tiêu chí đánh giá nhà cung cấp bền vững cụ thể để có thể đưa ra lựa chọn đối tác phù hợp
2.4 Áp dụng các giải pháp công nghệ
Doanh nghiệp nên sử dụng các phần mềm quản lý chuỗi cung ứng, hệ thống giám sát năng lượng, công nghệ IoT để tối ưu hóa hoạt động và nâng cao hiệu quả. Đông thời, áp dụng các giải pháp công nghệ để theo dõi và quản lý tác động môi trường, xã hội của chuỗi cung ứng.
2.5 Nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên
Xây dựng chuỗi cung ứng đòi hỏi cao từ nhận thức của cán bộ nhân viên về tầm quan trọng của chuỗi cung ứng bền vững. Doanh nghiệp nên khuyến khích cán bộ nhân viên tham gia vào các hoạt động bền vững, thực hiện đào tạo và phát triển năng lực toàn diện của công nhân viên trong giai đoạn “bền vững hóa” chuỗi cung ứng.
2.6 Báo cáo và minh bạch
Cuối cùng, doanh nghiệp nên thường theo dõi, đánh giá hiệu quả thực hiện chuỗi cung ứng bền vững. Đồng thời công bố thông tin minh bạch về hoạt động chuỗi cung ứng bền vững cho các bên liên quan và nhân viên trong doanh nghiệp để có những bước điều chỉnh cấp tiến và kịp thời.
Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững là hành trình dài đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực của ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên và các bên liên quan. Tuy nhiên, lợi ích mà chuỗi cung ứng bền vững mang lại cho doanh nghiệp và cộng đồng là vô cùng to lớn. Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với xu hướng phát triển bền vững để nâng tầm giá trị, bảo vệ môi trường và kiến tạo tương lai tươi sáng cho chính mình và cho thế hệ mai sau.
Độc giả quan tâm tới chủ đề có thể tham khảo Hội thảo: Chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng nhìn từ góc độ quản lí mua hàng được tổ chức bởi viện IEIT tại đây