-
Khảo sát kinh nghiệm Quốc tế và tham khảo chương trình đào tạo
Để xây dựng một chương trình đào tạo tiêu chuẩn về chuyển đổi số (CĐS), việc khảo sát kinh nghiệm quốc tế là rất quan trọng. Qua việc tham khảo các chương trình đào tạo CĐS của các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, chúng ta có thể học hỏi những mô hình đào tạo hiệu quả, các phương pháp giảng dạy tiên tiến và các kỹ thuật hiện đại nhất. Cụ thể, tại Mỹ, chương trình đào tạo CĐS của các trường đại học và các tổ chức như MIT, Stanford thường tập trung vào công nghệ tiên tiến, chiến lược kinh doanh số và quản trị thay đổi. Nhật Bản chú trọng vào sự tích hợp của công nghệ vào quy trình sản xuất và quản lý chất lượng, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, Singapore tập trung vào phát triển nguồn nhân lực với các kỹ năng số, đặc biệt là kỹ năng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI).
-
Phương pháp đào tạo chuyên sâu về CĐS
Muốn đảm bảo hiệu quả cao nhất, chương trình đào tạo CĐS cần kết hợp ba phương pháp chính. Thứ nhất, sử dụng đào tạo (training) để cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu về CĐS, giúp học viên nắm vững các khái niệm, công cụ và phương pháp cần thiết. Các hình thức đào tạo bao gồm bài giảng, hội thảo, và các khóa học trực tuyến. Một phương pháp phổ biến không kém phải kể đến huấn luyện (coaching), tập trung vào việc phát triển kỹ năng cá nhân và đội nhóm và khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào công việc thông qua các hoạt động thực hành, bài tập nhóm và các dự án thực tế. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, học viên có nhu cầu cần được giúp đỡ thông qua tư vấn, giải đáp thắc mắc và cập nhật kiến thức mới. Đây cũng chính là phương pháp thứ ba – hỗ trợ (support).
-
Xây dựng Chương trình Đào tạo (CTĐT)
Chương trình đào tạo sẽ được chia thành ba phần chính, mỗi phần tập trung vào một khía cạnh cụ thể của CĐS.
Phần 1: Đào tạo căn bản
Phần đầu tiên của chương trình đào tạo chuyển đổi số (CĐS) nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường hiểu biết của doanh nghiệp về CĐS và hành trình thay đổi hình thái hoạt động của doanh nghiệp. Nội dung bao gồm việc giới thiệu khái niệm CĐS, tầm quan trọng và lợi ích của CĐS. Hành trình CĐS sẽ được trình bày qua các giai đoạn chính từ việc đánh giá hiện trạng, xác định mục tiêu, lập kế hoạch, triển khai và đánh giá kết quả. Các ví dụ thực tế về doanh nghiệp thành công trong CĐS cũng sẽ được đưa ra để minh họa.
Phần 2: Đào tạo nội dung CĐS đến cốt lõi
Phần thứ hai của chương trình sẽ đi sâu vào các yếu tố cốt lõi của CĐS, bao gồm sản phẩm và dịch vụ số, mô hình kinh doanh số, và quản lý dữ liệu và phân tích. Nội dung về sản phẩm và dịch vụ số sẽ chỉ ra cách thức cải tiến và phát triển các sản phẩm và dịch vụ số để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mô hình kinh doanh số sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng và triển khai các mô hình kinh doanh số, tận dụng công nghệ để tạo ra giá trị mới cho doanh nghiệp và khách hàng. Cuối cùng, phần quản lý dữ liệu và phân tích sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu trong CĐS và cách thức quản lý, phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định chiến lược.
Phần 3: Giới thiệu phương pháp luận ST235
Phần ba tập trung vào giới thiệu phương pháp luận ST235 và cách thức thiết kế nội dung cơ bản để hình thành bản kế hoạch CĐS. Cụ thể, phương pháp này về hai nguyên lý, ba cặp nguyên tắc, năm vấn đề cốt lõi cần thực hiện đồng bộ để chuyển đổi số doanh nghiệp và tám cấu phần của hệ sinh thái số doanh nghiệp.
Phương pháp luận ST 2-3-5 đã hình thành một tiền đề vững chắc để xây dựng một bản kế hoạch chuyển đổi số hiệu quả. Cấu trúc của bản kế hoạch cần tuân theo một cấu trúc hoàn chỉnh, bao gồm mở đầu, nội dung chính, kết luận và phụ lục. Trước hết, mở đầu phải tóm tắt được về mục tiêu và tầm nhìn của kế hoạch chuyển đổi số, đồng thời xác định được phạm vi và đối tượng tham gia. Đối với nội dung chính, cũng là phần quan trọng nhất, nên được phân chia thành sáu phần. Phần một phác thảo toàn cảnh tình hình đi từ bên ngoài (bối cảnh quốc tế, trong nước, xu hướng thị trường và cạnh tranh ngành) đến tiến sâu vào bên trong doanh nghiệp với các đặc điểm kinh doanh và nguồn lực dựa trên đánh giá SWOT. Phần hai tập trung đánh giá sự sẵn sàng chuyển đổi số dựa trên các yếu tố về tiền đề chuẩn bị, kết quả khám sức khỏe doanh nghiệp và nhận xét các hoạt động cũng như dự án đang được triển khai. Phần ba đề cập đến định hướng (sứ mệnh, tầm nhìn) cùng mục tiêu đi từ tổng quát đến cụ thể. Phần bốn xây dựng một mô hình và lộ trình chuyển đổi số đi từ nền tảng đến cốt lõi, hướng đến một doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện cả về công nghệ số lẫn năng lực số. Phần năm và phần sáu thiết kế quá trình quản trị thực thi hiệu quả khi việc tổ chức thực hiện phải đi đôi với đo lường, kiểm soát, tái lập.
Sau khi hoàn thành các phần đào tạo, quá trình huấn luyện và chuyển giao kiến thức về chuyển đổi số sẽ được triển khai. Điều này giúp doanh nghiệp có khả năng tự thực hiện các dự án chuyển đổi số, từ việc xây dựng lộ trình đến triển khai và đánh giá hiệu quả.