Business model canvas - mô hình kinh doanh Canvas (P1) - Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp

Business model canvas – mô hình kinh doanh Canvas (P1)

4.7/5 - (28 bình chọn)

Business Model Canvas là gì?

Business Model Canvas (BMC) là một công cụ xây dựng mô hình kinh doanh hiện đại được thiết kế bởi Alexander Osterwalder và Yves Pigneur. Trong cuốn sách Business Model Generation, hai ông đã mô tả đây là một mô hình kinh doanh bao gồm 9 thành tố tương ứng với 9 trụ cột tạo nên tổ chức của một công ty. Mục đích chính của nó là hỗ trợ doanh nghiệp hợp nhất các hoạt động kinh doanh bằng cách minh họa các tiêu chí đánh đổi tiềm năng.

Bằng việc đơn giản hóa các bản kế hoạch kinh doanh dày cộp theo một cách trực quan và dễ nắm bắt, mô hình trên đã được hưởng ứng rộng rãi trong giới kinh doanh vì lợi ích và hiệu quả mà nó đem lại. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã áp dụng mô hình kinh doanh Canvas để phân tích tình hình doanh nghiệp và tìm ra phương thức tạo lợi nhuận tối ưu.

9 yếu tố trong mô hình kinh doanh Canvas

– Phân khúc khách hàng – Customer Segment (CS): xác định các phân khúc khách hàng nhau mà doanh nghiệp muốn hướng tới. Nhóm khách hàng này có thể là thị trường đại chúng (mass market), thị trường ngách (niche market), thị trường hỗn hợp (multi-sided market).

– Giải pháp giá trị – Value Propositions (VP): mô tả lại những mục tiêu giá trị mà sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp đã và đang tạo cho nhóm khách hàng mục tiêu. Nói cách khác, đây là lý do mà khách hàng chọn sản phẩm của công ty bạn thay vì công ty của đối thủ.

– Các kênh truyền thông – Channels (CH): mô tả các kênh truyền thông và phân phối mà doanh nghiệp sử dụng để tiếp xúc với phân khúc khách hàng. Qua đó mang đến cho khách hàng các giá trị mục tiêu mà khách hàng mong muốn. Có rất nhiều kênh phân phối khác nhau: kênh phân phối trực tiếp (đội bán hàng trực tiếp, điểm bán hàng trực tiếp, gian hàng trên mạng…) và kênh phân phối gián tiếp (đại lý bán hàng, cửa hàng của đối tác…)

– Quan hệ khách hàng – Customer Relationships (CR): mô tả các loại quan hệ mà doanh nghiệp muốn thiết lập với các phân khúc khách hàng của mình. Làm thế nào doanh nghiệp giữ chân khách hàng cũ hoặc thu hút khách hàng mới ?

– Dòng doanh thu – Revenue Streams (RS): thể hiện luồng lợi nhuận doanh nghiệp thu được từ các phân khúc khách hàng của mình. Nếu khách hàng được coi là trái tim của mô hình kinh doanh thì luồng lợi nhuận được coi là các động mạch của nó. Dòng danh thu chính là ô mà các nhà đầu tư quan tâm nhất.

– Nguồn lực chính – Key Resources (KR): mô tả các nguồn lực quan trọng nhất của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh có thể tồn tại. Để tạo ra được hàng hóa, thiết lập kênh truyền thông và phân phối, duy trì quan hệ khách hàng … bạn cần phải có những nguồn lực nhất định mà nếu không có nguồn lực này thì bạn không thể kinh doanh được. Đây có thể là các nguồn lực vật lý ( tài nguyên môi trường,…), nguồn lực tri thức (bằng sáng chế), nhân lực và tài chính.

– Hoạt động chính – Key Activities (KA): mô tả các hành động quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần duy trì để giữ được công việc kinh doanh của mình. Một cách trừu tượng, là các hành động sử dụng nguồn lực (KR) để có thể tạo ra các giá trị mục tiêu khác biệt (VP) và qua đó thu được lợi nhuận (RS). Ví dụ đối với công ty như Facebook, hoạt động chính sẽ là phát triển nền tảng và xây dựng trung tâm dữ liệu. Đối với công ty tư vấn luật, key activities là việc nghiên cứu văn bản luật và tư vấn pháp luật.

– Đối tác chính – Key Partnerships (KP): mô tả các nhà cung cấp nguồn lực và các đối tác giúp cho công việc kinh doanh được thực hiện tốt và có thể phát triển. Đó là một trong bốn loại sau: đối tác chiến lược giữa các công ty không phải là đối thủ của nhau, đối tác giữa các công ty là đối thủ của nhau để cùng nâng thị trường lên, cùng đầu tư (joint ventures) để tạo ra công việc kinh doanh mới, quan hệ mua bán để đảm bảo đầu vào cho công ty.

– Cơ cấu chi phí – Cost Structure (C$): mô tả tất cả các chi phí cần thiết để duy trì và điều hành một công việc kinh doanh. Một số mô hình kinh doanh chú trọng rất nhiều vào giá cả như mô hình kinh doanh vé máy bay giá rẻ của Jetstar, một số khác lại chú trọng tạo dựng giá trị cho người mua (ví dụ như các khách sạn 4-5 sao)… Đây cũng là nơi nhà đầu tư bỏ tiền vào.

Ưu điểm của mô hình kinh doanh Canvas

Business Canvas rất phổ biến với các chủ doanh nghiệp và những nhà quản lý nhằm mục đích cải tiến mô hình kinh doanh. Về cơ bản mô hình này có 3 ưu điểm chính.

Tập trung: Chúng ta đang bỏ qua hơn 40 trang giấy nội dung của những kế hoạch kinh doanh truyền thống, và ngày càng nhiều các công ty nổi tiếng trên thế giới sử dụng BMC để làm rõ và tập trung vào những gì thúc đẩy công việc kinh doanh của họ.

Linh hoạt: Dễ dàng chỉnh sửa mô hình và thử mọi thứ (từ góc độ lập kế hoạch) vì tất cả mọi thứ đều nằm trên cùng một trang.

Rõ ràng: Đồng nghiệp của bạn sẽ mất ít thời gian để đọc và hiểu kế hoạch kinh doanh của bạn hơn, họ cũng dễ tiếp nhận tầm nhìn của bạn hơn khi mọi thứ được bày ra trên một trang giấy.

>> Xem tiếp: (Phần 2) Business model canvas – mô hình kinh doanh Canvas

 

>>> Tham khảo thêm: Kiến thức quản trị