VietTimes – Đó là khẳng định của PGS TS Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn Doanh nghiệp thuộc Trường Đại học Ngoại thương nhân hội thảo “Quản trị nhân sự trong bối cảnh chuyển đổi số” vừa diễn ra chiều 24/11/2023.
Hội thảo “Quản trị nhân sự trong bối cảnh chuyển đổi số” do Viện Đào tạo và Tư vấn Doanh nghiệp. Trường ĐH Ngoại thương tổ chức |
PGS TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, nền kinh tế số ngày nay đã tác động và thay đổi cách thức quản trị nhân sự từ cách làm truyền thống sang cách thức mới để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn trong bối cảnh mới. Với xu hướng chuyển đổi số, hoạt động quản trị nhân sự dần được số hoá với quy trình tự động và dựa trên dữ liệu có được cùng với các ứng dụng công nghệ. Do đó, chuyển đổi số phải lấy con người làm trung tâm và bản thân những nhân sự ở vị trí lãnh đạo cũng phải trở thành nhân lực số. 70% thất bại khi chuyển đổi số đã được thống kê có nguyên nhân chính từ nguồn nhân lực thiếu hụt.
Nhắc lại quan điểm “chuyển đổi số phải lấy con người làm trung tâm” của PGS TS Nguyễn Văn Minh, ông Lê Trung Thắng – Giám đốc điều hành Công ty Việt Nam DX cho biết, nguồn nhân lực số cho doanh nghiệp phải thoả mãn cả 2 tiêu chí về công nghệ và kinh doanh. Lãnh đạo doanh nghiệp phải đặt mục tiêu phấn đấu thành doanh nghiệp số cùng việc tạo ra thế hệ nhân sự mới linh hoạt cả về công nghệ lẫn kinh doanh. Để làm được việc đó, bản thân doanh nghiệp phải thay đổi mô hình đào tạo nội bộ và liên tục học hỏi trong môi trường số. Giải pháp để doanh nghiệp vượt qua thách thức và đạt được hiệu quả tốt nhất phải là quản trị nguồn nhân lực của chính mình trong thời đại số.
Ông Mai Hoàng Minh – Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty TopCV Việt Nam nêu quan điểm doanh nghiệp trong thời đại số sẽ bị loại khỏi thị trường nếu không chủ động ứng dụng công nghệ. Ngày nay, với sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo, việc tuyển dụng và quản trị nhân sự mới sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chủ động giao nhiệm vụ cho họ. Còn về các đối tác công nghệ, thay vì bán phần mềm và giải pháp, thì phương thức hiệu quả hơn nên là cho thuê phần mềm và liên tục chỉnh sửa theo yêu cầu thực tế của khách hàng.
Tổng kết các ý kiến chia sẻ tại hội thảo, PGS TS Nguyễn Văn Minh cho biết, để đồng hành với doanh nghiệp trong thời đại số, các đại học ở Việt Nam phải chủ động cập nhật các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Không chỉ có vậy, bản thân sinh viên cũng phải chủ động học hỏi với các kiến thức công nghệ và kinh tế số. Với các doanh nghiệp, mục tiêu chuyển đổi thành doanh nghiệp số phải từ chính lãnh đạo chứ không phải là các bộ phận chức năng cùng đội ngũ nhân viên.
Theo Tạp chí điện tử Viettimes