Doanh nghiệp là một cơ thể sống. Trước hết, bởi vì doanh nghiệp là một tổ chức được tập hợp từ nhiều người. Ngoài ra, doanh nghiệp nhìn một cách tổng thể được tổ chức và quản trị giống như một thực thể sống, có triết lý tồn tại, có lý tưởng, có tầm nhìn, có mục tiêu và đương nhiên là có lịch sử, truyền thống, quá khứ và tương lai.
Và với sự phát triển của khoa học công nghệ, tốc độ thay đổi của môi trường kinh doanh ngày càng chóng mặt và khó đoán định. Do đó, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi doanh nghiệp là một cá biệt rất khác nhau. Cho nên, khi lựa chọn công cụ để quản trị mục tiêu, tiêu chí quan trọng nhất là sự phù hợp. Những bước cơ bản cần thực hiện, không nên bỏ qua:
Thứ nhất, đánh giá tình hình, nhìn nhận đúng thực trạng, phác thảo chiến lược. Công ty nên hình thành nhóm dự án để khởi động. Nhóm này sẽ tổ chức phân tích bối cảnh tình hình, nhìn nhận một cách tổng thể xu hướng vận hành chung của nền kinh tế, sự thay đổi ở trong ngành, nhìn nhận lại tình hình cạnh tranh tư duy lại quá trình phát triển, đánh giá mô hình kinh doanh, giá trị doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng, các trụ cột tăng trưởng, các trung tâm lợi nhuận, các lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, năng lực lõi. Nhìn nhận lại để thấy rõ mình đang ở đâu, đang chịu những áp lực gì và quan trọng hơn là mình muốn gì trong tương lai, từ đó xác định các định hướng chính mình sẽ thực hiện. Công cụ sử dụng thiết thực nhất là dùng phân tích SWOT (phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, cùng với các nhóm giải pháp chiến lược SO, ST, WO, WT). Kết quả của bước này là doanh nghiệp xác định được một bộ mục tiêu định hướng trung và dài hạn, định hình được mô hình phát triển, mô hình kinh doanh, các trụ cột tăng trưởng, các trung tâm lợi nhuận trong tương lai.
Thứ hai, xác định rõ mục đích và mục tiêu cần đạt được. Muốn quản trị mục tiêu, trước hết cần làm rõ mục tiêu. Hệ thống mục tiêu của doanh nghiệp cần đảm bảo được hai nguyên tắc cơ bản: thống nhất và xuyên suốt. Thống nhất từ lý tưởng tới tầm nhìn, từ sứ mệnh tới hành động. Xuyên suốt từ cấp lãnh đạo cao nhất tới nhân viên bình thường. Đây là thời điểm để doanh nghiệp củng cố lại sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, rà soát lại các lớp mục tiêu, đảm bảo sự xuyên suốt, thống nhất trong toàn hệ thống. Căn cứ vào mục tiêu được hoạch định trong thời gian tới mà đề xuất lựa chọn công cụ cho phù hợp. Nếu mục tiêu là duy trì sự phát triển ổn định, bền vững thì nên chọn hệ thống BSC kết hợp với KPI, còn nếu mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng cấp số nhân, tạo bứt phá thì chọn công cụ triển khai là OKR
Thứ ba, xác định phạm vi áp dụng, thời hạn, lộ trình, nguồn lực và đối tượng tham gia, cam kết lãnh đạo. Chọn được công cụ phù hợp với mục tiêu chiến lược thôi chưa đủ, doanh nghiệp cần hiểu rõ những yêu cầu tối thiểu của từng bộ công cụ về trình độ của hệ thống quản trị, về năng lực của đội ngũ triển khai, về các yêu cầu hạ tầng, thông tin, dữ liệu, đặc biệt là sự phù hợp về văn hóa làm việc. Căn cứ vào tình trạng thực tế của các điều kiện này mà đi tới quyết định về phạm vi áp dụng (triển khai trong toàn công ty hay lựa chọn thí điểm ở một bộ phận), thời hạn áp dụng (làm thử 6 tháng hay 1 quý), lộ trình thực hiện (nội dung gì làm trước, nội dung nào làm sau), nguồn lực để thực hiện (nhân lực, vật lực, tài lực). Và quan trọng hơn cả là sự cam kết đồng hành của lãnh đạo. Tùy theo mức độ cam kết và sự tham dự của lãnh đạo sẽ quyết định chọn công cụ nào cho phù hợp. Nhìn chung quá trình xác định phạm vi, đối tượng, lộ trình, thời hạn rất quan trọng, quyết định sự thành bại trong triển khai quản trị mục tiêu.
Thứ tư, đánh giá sự phù hợp để lựa chọn công cụ cho hợp lý, lên kế hoạch triển khai. Ở bước này, nhóm được giao xây dựng đề án chủ động tổng hợp và đánh giá lại một lần nữa các điều kiện, các yêu cầu được nêu ra ở bước thứ 2, từ đó hình thành báo cáo đề xuất lựa chọn công cụ phù hợp, đồng thời phác thảo luôn kế hoạch triển khai cho công ty. Sau đó, nhóm dự án sẽ trình bày trước lãnh đạo công ty để thông qua định hướng chiến lược, các mục tiêu chủ chốt, và kế hoạch triển khai.
Như vậy, để lựa chọn công cụ quản trị mục tiêu phù hợp, doanh nghiệp cần căn cứ vào 4 yếu tố chính: 1) chiến lược trong từng giai đoạn; 2) năng lực của hệ thống quản trị; 3) năng lực của đội ngũ quản lý; 4) văn hóa, truyền thống và lề lối làm việc. Các yếu tố này không tự dưng có, mà đây là kết quả của cả quá trình liên tục cập nhật hệ thống và nâng cao trình độ quản trị của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp nên có ý thức bắt tay vào củng cố hệ thống càng sớm, càng tốt, chứ không nên chờ đợi đến khi tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát mới loay hoay tìm cách nâng cao năng lực.
————————————————————————-
📌 Để biết thêm nhiều các thông tin, kiến thức hữu ích hơn về các công cụ quản trị mục tiêu, hãy đặt mua sách ngay qua các kênh:
🔗Link đặt sách tại: https://bit.ly/3V9ectJ
🔵 Tiki: https://bit.ly/42Xw6S2
🔥 Tomaha: https://tomaha.net/