Trong thời đại số hóa hiện nay, thương mại điện tử đang trở thành một phần không thể thiếu trong cấu trúc kinh doanh của nhiều tổ chức và doanh nghiệp. Nhưng thực ra, thương mại điện tử là gì và tại sao nó lại quan trọng đến vậy? Trước khi chúng ta khám phá các xu hướng thương mại điện tử trong năm 2024, hãy cùng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp đi sâu vào và tìm hiểu về khái niệm này.
KHÁI NIỆM VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Thương mại điện tử (hay còn gọi là e-commerce) là quá trình mua bán hàng hóa và dịch vụ thông qua Internet và các phương tiện điện tử khác nhau. Chúng bao gồm mọi hoạt động từ việc tìm kiếm thông tin về sản phẩm, đặt hàng, thanh toán đến việc giao hàng và dịch vụ hậu mãi mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp giữa người mua và người bán.
Thương mại điện tử không chỉ giới hạn trong việc mua bán sản phẩm tiêu dùng mà còn bao gồm các loại hình kinh doanh như dịch vụ trực tuyến, thương mại xã hội, thương mại điện tử giữa doanh nghiệp (B2B), thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C), thương mại điện tử giữa người tiêu dùng và người tiêu dùng khác (C2C),…
Một số nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là Amazon, Alibaba, eBay, Shopify, WooCommerce,…và một số nền tảng thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo,…
Thương mại điện tử đã và đang thay đổi cách mà các doanh nghiệp kinh doanh và cách mà người tiêu dùng mua sắm. Nó mang lại sự tiện lợi, lựa chọn đa dạng, và trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho người dùng, đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới.
XU HƯỚNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ NĂM 2024
Trong năm 2024, thương mại điện tử vẫn sẽ tiếp tục là một lĩnh vực đầy triển vọng. Cùng với sự lan rộng của công nghệ và sự thay đổi trong cách mà người tiêu dùng mua sắm, xu hướng thương mại điện tử đã và đang trải qua những biến đổi đáng kể.
Để không bị “đào thải” khỏi thị trường do sự biến động thường xuyên của nó, doanh nghiệp cần bắt tay vào việc khai phá các xu hướng thương mại điện tử hàng đầu được mong đợi nhất trong năm 2024.
Tham khảo khóa học bán hàng và chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp của Viện EIT TẠI ĐÂY
Thương mại truyền thông xã hội
Phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc tối ưu hóa hoạt động mua sắm trên thiết bị di động. Theo dữ liệu từ Techjury, thiết bị di động đóng vai trò quan trọng khi chiếm tới 80% lưu lượng truy cập trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này chỉ ra rằng người dùng ngày càng chuyển sang sử dụng điện thoại di động để truy cập và tương tác trên các nền tảng xã hội.
Hơn nữa, theo cùng nguồn, khoảng 79% người dùng điện thoại thông minh đã thực hiện quá trình mua sắm trên thiết bị di động của họ. Các nền tảng như Instagram, Facebook và TikTok hiện đã cung cấp trải nghiệm mua sắm liền mạch, cho phép người dùng mua hàng mà không cần rời khỏi ứng dụng. Sự tiện lợi và linh hoạt của việc mua sắm trên điện thoại di động đang ngày càng được ưa chuộng, khiến cho các doanh nghiệp phải tập trung vào việc tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm trên các nền tảng xã hội để thu hút và giữ chân khách hàng.
Vì vậy, việc tối ưu hóa trang web để phù hợp với thiết bị di động trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đầu tư vào trải nghiệm mua sắm trên điện thoại di động không chỉ giúp thương hiệu thu hút nhiều khách hàng hơn mà còn giúp vượt qua đối thủ cạnh tranh.
Thanh toán linh hoạt
Với sự phổ biến của các thiết bị di động trong thời đại số hiện nay, việc cung cấp các dịch vụ thanh toán ngay trên thiết bị di động cũng đã trở thành một trong số những xu hướng thương mại điện tử hàng đầu.
Theo OBERLO, trong năm 2021, tỷ lệ giao dịch thương mại điện tử thực hiện thông qua ví kỹ thuật số hoặc ví di động chiếm đến 49% tổng số giao dịch trên toàn cầu. Điều này không chỉ thể hiện sự tiện lợi mà còn là dấu hiệu của một xu hướng ngày càng phát triển. Dự kiến vào năm 2025, tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 53%, cho thấy sức ảnh hưởng lớn mà thanh toán di động đang mang lại trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Trên thế giới, một số loại ví di động phổ biến có thể kể đến như PayPal, Google Pay, Apple Pay, Wechat Pay,…
Tại Việt Nam cũng có thể kể đến một số cái tên như MoMo, Shopee Pay, VNPay,…
Tìm kiếm bằng giọng nói và hình ảnh
Với sự phát triển và tiến bộ trong công nghệ nhận dạng giọng nói và hình ảnh, càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng loa thông minh, camera, trợ lý ảo,… để có thể thuận tiện và tiết kiệm thời gian trong việc tìm kiếm trên các nền tảng trực tuyến.
Theo Couponfollow, khoảng 47% người mua hàng đã sử dụng lệnh thoại để mua hàng trực tuyến và 58% họ cho biết hài lòng với trải nghiệm này. Ngoài ra, lĩnh vực tìm kiếm bằng hình ảnh cũng được dự báo sẽ đạt giá trị thị trường lớn hơn 32 triệu USD vào năm 2028. Điều này chỉ ra rằng sự phát triển của công nghệ và thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang dần thay đổi, tạo ra những cơ hội mới và định hình lại cách thức thương mại điện tử hoạt động trong tương lai.
Các công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) – mua sắm thực tế ảo
AR và VR mở ra một thế giới mới, nơi người tiêu dùng có thể tương tác với sản phẩm và trải nghiệm chúng một cách chân thực hơn, ngay trong không gian ảo.
Với công nghệ AR, người dùng có thể sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính bảng của mình để “thấy” sản phẩm trong không gian thực tế của họ thông qua ứng dụng di động. Ví dụ, họ có thể thử trang điểm trực tuyến, xem như thế nào khi đeo trang sức mới, hoặc đặt một món đồ nội thất ảo vào không gian sống của mình.
Trong khi đó, công nghệ VR đưa người dùng vào một môi trường hoàn toàn ảo, nơi họ có thể điều hướng và tương tác với sản phẩm như trong thế giới thực. Điều này tạo ra một trải nghiệm mua sắm độc đáo và thú vị, giúp người dùng cảm thấy như đang tận hưởng một trải nghiệm mua sắm truyền thống trong cửa hàng.
Với sự kết hợp của AR và VR, các nhãn hàng có thể cung cấp trải nghiệm mua sắm toàn diện hơn, giúp người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn khi mua sắm trực tuyến và giảm bớt rủi ro của việc chọn lựa sản phẩm trực tuyến.
Giao hàng trong ngày
Giao hàng trong ngày đã trở thành một yếu tố quan trọng và có ảnh hưởng lớn đối với cách mà doanh nghiệp thương mại điện tử tương tác và phục vụ khách hàng của mình. Điều này phản ánh xu hướng ngày càng tăng của người tiêu dùng đòi hỏi sự linh hoạt và tiện lợi trong việc mua sắm trực tuyến.
Với sự phổ biến của các dịch vụ giao hàng theo yêu cầu, khách hàng đã trở nên quen thuộc và mong đợi có thể nhận được đơn đặt hàng của mình trong vòng vài giờ. Điều này tạo ra một áp lực lớn đối với các doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và hiệu quả.
Trong môi trường cạnh tranh gay gắt, việc giao hàng trong ngày không chỉ là một dịch vụ phụ, mà nó đã trở thành một tiêu chuẩn mới mà các doanh nghiệp cần tuân thủ để giữ vững và phát triển thị phần của mình. Việc đáp ứng kỳ vọng của khách hàng về giao hàng nhanh chóng không chỉ giúp tăng cường niềm tin và sự hài lòng của họ, mà còn là cơ hội để tạo ra một lợi thế cạnh tranh và thu hút thêm khách hàng mới.
KẾT LUẬN
Hy vọng bài viết trên đã cho bạn một cái nhìn tổng quát về thương mại điện tử cũng như một số xu hướng của chúng trong năm 2024.
Ngoài ra, bạn có thể tìm đọc thêm về các thông tin cũng như kiến thức khác TẠI ĐÂY