Tuyệt kỹ trở thành người bán hàng thành công nhất (P1) - Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp

Tuyệt kỹ trở thành người bán hàng thành công nhất (P1)

Đánh giá bài đăng này post

1. NHỮNG NGƯỜI BÁN HÀNG THÀNH CÔNG NHẤT LÀ NHỮNG NGƯỜI ĐẦY THAM VỌNG

Họ có một khao khát mãnh liệt – khao khát thành công trong lĩnh vực bán hàng. Đây có thể là phẩm chất quan trọng nhất trong số tất cả những phẩm chất có thể mang lại thành công trong việc bán hàng, hay trong bất cứ một lĩnh vực nào khác. Sau 22 năm học tập những người thành công nhất ở Mỹ, Napoleon Hill đã kết luận rằng “khao khát cháy bỏng” chính là điểm bắt đầu của tất cả mọi thành công và tất cả những người giàu có. Điều này chưa bao giờ thay đổi trong lịch sử.

Les Brown đã từng nói rằng: “Nếu bạn muốn thành công, bạn cần phải luôn khao khát!”

Nếu bạn nhiều tham vọng và quả quyết đủ để đạt được những mục tiêu của mình và thành công, thì không gì có thể ngăn bạn lại. Để có được thành công trong việc bán hàng, tham vọng của bạn phải đủ lớn bởi một số lượng khổng lồ những thất bại và sự từ chối mà bạn sẽ phải trải nghiệm trong quá trình gặp gỡ khách hàng mới, thực hiện bài chào bán và mời họ mua sản phẩm/dịch vụ của mình.

Tham vọng là nguồn nhiên liệu vận hành những chiếc lò thành tựu. Bạn càng có nhiều tham vọng và động lực thúc đẩy, động cơ đưa bạn tới với những thành tựu của mình sẽ càng chạy nhanh hơn.

Bạn càng có nhiều tham vọng thì bạn sẽ càng nhanh chóng thải hồi được cảm giác thất vọng. Bạn càng có nhiều tham vọng thì bạn càng có nhiều sức mạnh để có thể tiếp tục con đường của mình cho tới khi đạt được những mục tiêu.

Tại thời điểm này, thùng chất đốt phụ trong bộ máy được kích hoạt. Họ quyết định sẽ trở thành người bán hàng tốt nhất. Họ dành toàn bộ tâm sức của mình vào việc học hỏi, lắng nghe và tham gia các khóa đào tạo. Mỗi lần học hỏi và ứng dụng một ý tưởng mới, kết quả kinh doanh của họ cũng ngay lập tức được cải thiện. Điều này tiếp thêm năng lượng cho tham vọng đồng thời củng cố quyết tâm đạt được thành công của họ.

Đây là một trong số những khám phá vĩ đại: Chỉ bằng cách cam kết sẽ trở nên xuất sắc bạn mới có thể giỏi giang và thành đạt trong lĩnh vực của mình. Việc không cam kết đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận làm một người tầm thường. Việc trở nên xuất sắc hoặc ưu tú trong lĩnh vực của mình là kết quả của rất nhiều năm làm việc chăm chỉ và nỗ lực để cải thiện bản thân. Cũng giống như việc một vận động viên bình thường cần phải được đào tạo từ bảy đến 10 năm để có thể tham dự các kỳ thi Olympic, một người bán hàng bình thường muốn vươn được lên tới vị trí của những người đứng đầu trong lĩnh vực của mình cũng cần từ bảy đến 10 năm làm việc chăm chỉ.

 

tuyet ky nguoi ban hang thanh cong 01 1

Earl Nightingale đã từng viết: “Hạnh phúc là việc nhận thức tiến bộ của những mục tiêu và ý tưởng thích hợp.” Khi bạn cam kết sẽ trở nên xuất sắc, sẽ trở thành người đứng đầu trong lĩnh vực của mình và làm việc chăm chỉ để cải thiện bản thân mỗi ngày, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy kết quả gần như ngay lập tức.

Mức độ tham vọng và quyết tâm trở thành người tốt nhất trong lĩnh vực của bạn là một chất kích nổ giúp khả năng tiềm ẩn của bạn bùng nổ theo thời gian.

2. NHỮNG NGƯỜI BÁN HÀNG THÀNH CÔNG NHẤT ĐỀU CỰC KỲ DŨNG CẢM

Họ liên tục đương đầu với những nỗi sợ đã và đang kéo hầu hết mọi người lại phía sau. Nếu tham vọng là động lực của thành công thì sự dũng cảm là một cách để giải phóng tham vọng bởi nỗi sợ hãi chính là chướng ngại vật lớn nhất ngăn cản bạn thành công.

Lúc bắt đầu nghiên cứu tâm lý của những người làm việc đạt hiệu suất cao, tôi đã rất ngạc nhiên khi khám phá ra rằng nỗi sợ thất bại, chứ không phải là bản thân thất bại, mới chính là chướng ngại vật lớn nhất ngăn cản thành công và hạnh phúc trong cuộc đời của những người trưởng thành. Tất cả mọi người đều thất bại hết lần này đến lần khác và chính suy nghĩ hoặc nỗi sợ thất bại mới là yếu tố làm tê liệt khả năng làm tốt công việc và đạt hiệu suất cao của tất cả mọi người.

Nỗi sợ thất bại, dù dưới bất kỳ hình thức nào, thậm chí là chỉ trong tưởng tượng, cũng sẽ kìm hãm tiềm năng của bạn. Nó ngăn cản bạn hành động. Nỗi sợ thất bại khiến bạn chần chừ, trì hoãn và né tránh bất cứ tình huống nào mà bạn cảm thấy là mình sẽ không thành công, đặc biệt là những tình huống kinh doanh.

Ralph Waldo Emerson từng viết về một trải nghiệm đã thay đổi cuộc sống của ông. Khi ông còn là một cậu bé 10 tuổi sống ở Concord, Masachusetts, một lần, trên đường đi ông bị một tờ giấy bay vào chân, trên giấy có ghi: “Nếu bạn muốn thành công trong tương lai, hãy tạo một thói quen làm những gì bạn sợ. Nếu bạn làm những việc mà bạn sợ, nỗi sợ sẽ biến mất.” Cuộc sống của ông đã hoàn toàn thay đổi kể từ thời điểm đó. Và cuộc sống của bạn cũng sẽ thay đổi như thế ngay khi bạn bắt đầu thói quen làm những việc mà bạn sợ, cho đến khi nỗi sợ hãi biến mất.

tuyet ky nguoi ban hang thanh cong 02

Glenn Ford từng viết: “Nếu bạn không làm những việc mà bạn sợ phải làm, nỗi sợ hãi sẽ kiểm soát cuộc sống của bạn.” Thực tế là bạn sẽ chẳng thể thành công mà không gặp thất bại. Những người thành công nhất gặp thất bại nhiều hơn những người bình thường hoặc những người không thành công. Những người thành công nhất không thích thất bại, nhưng họ nhận ra rằng họ sẽ chẳng thể đạt được mục tiêu của mình nếu không sẵn sàng thất bại hết lần này đến lần khác trên con đường mà họ đang đi.

Cũng giống như việc bạn sẽ trở thành người mà bạn thường xuyên nghĩ đến, bạn sẽ trở thành người mà bạn thường xuyên nói với bản thân mình. Có sáu từ kỳ diệu mà bạn có thể nhắc đi nhắc lại, hết lần này đến lần khác, để xây dựng sự tự tin cho bản thân và giảm bớt nỗi sợ hãi về tương lai, đó là: “Tôi có thể làm việc đó! Tôi có thể làm việc đó! Tôi có thể làm việc đó!”

Bất cứ khi nào bạn ngại ngùng không muốn bước tiếp và làm một việc gì đó mà bạn cảm thấy sợ hãi, hãy vô hiệu hóa cảm giác đó để hành động bằng cách quả quyết lặp lại sáu từ kỳ diệu vừa được nhắc đến ở trên, rằng “Tôi có thể làm được!”

Chinh phục nỗi sợ bị từ chối. Nỗi sợ chính thứ hai có thể phá hủy thành công của bạn, đặc biệt trong việc bán hàng, là nỗi sợ bị từ chối. Nỗi sợ này đến từ những trải nghiệm từ khi bạn còn rất nhỏ, khi mà chúng ta thường xuyên bị chỉ trích và chúng ta là nạn nhân của “tình yêu thương có điều kiện” từ cha mẹ của mình. Tất cả những vấn đề về mặt cảm xúc trong cuộc sống của một người trưởng thành đều xuất phát từ “sự từ chối yêu thương” mà chúng ta nhận được khi còn nhỏ. Nếu bạn được nuôi dạy trong một môi trường không hề có sự hỗ trợ và khuyến khích, bạn có thể sẽ bước vào tuổi trưởng thành với những cảm giác khủng khiếp về sự thiếu tự tin hoặc thậm chí là nhạy cảm quá mức, chẳng hạn như bạn luôn luôn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những suy nghĩ, quan điểm và thái độ của người khác, cho dù đó là sự thật hay chỉ là những gì được tưởng tượng ra.

tuyet ky nguoi ban hang thanh cong 03

Trong công việc bán hàng, nỗi sợ bị từ chối là một cái gì đó giống như cảm giác “không sẵn lòng gặp gỡ khách hàng”, và đó là chướng ngại vật lớn nhất ngăn cản bạn thành công trong kinh doanh. Bạn sẽ không thể phát huy được hết những năng lực của bản thân với tư cách là một chuyên gia bán hàng nếu không vượt qua được nỗi sợ bị từ chối.

Thật may mắn, bạn có thể thay đổi được điều này. Bạn có thể lập trình lại bản thân để thay vì sợ bị từ chối, bạn thực sự chờ đợi nó. Bạn hầu như không thể đợi được đến khi thức dậy và nhận được sự từ chối mỗi buổi sáng.

Khi bắt đầu sự nghiệp bán hàng của mình, gõ từng cánh cửa, tôi luôn tìm mọi cách để né tránh nguy cơ bị từ chối ngay lần đầu gõ cửa trong một ngày làm việc. Sau đó thì tôi học được một điều đã thay đổi sự nghiệp bán hàng của mình, rằng: Sự từ chối hoàn toàn không mang tính chất cá nhân. Bạn hẳn đang nghĩ: “Cái gì cơ, ý anh là khi một người từ chối lời chào hàng của tôi, điều đó chả liên quan gì tới tôi cả. Đó chỉ hoàn toàn là một phản ứng khách quan với một lời chào hàng trong một xã hội đầy cạnh tranh mà thôi?” Vâng, sự thật là như vậy đó!

Khi bạn đến gặp một vài khách hàng mới và họ phản ứng lại theo cách tiêu cực, điều đó chẳng liên quan chút nào đến giá trị bản thân của bạn cả. Vị khách hàng tiềm năng mà bạn đang tiếp xúc thậm chí còn không biết bạn là ai và cũng chẳng biết bất cứ điều gì liên quan đến bạn. Sự từ chối hoàn toàn mang tính chất khách quan, tự nhiên và không hề nhằm vào bạn.

Ngay khi học được điều này, hoạt động bán hàng của tôi được cải thiện rõ rệt. Tôi có thể thức dậy mỗi sáng và tự nói với mình rằng: “Ngày hôm nay mình sẽ đối mặt với rất nhiều sự từ chối. Nhưng mình sẽ sử dụng mọi sự từ chối như một động lực thúc đẩy những nỗ lực lớn hơn. Mỗi lần bị từ chối, mình sẽ trở nên tích cực và quả quyết hơn, sẵn sàng tiếp xúc với nhiều khách hàng tiềm năng hơn trước đó!”

Ngay sau đó, tôi luôn chờ đợi sự từ chối đầu tiên. Tôi đã lập trình trước trong tiềm thức của mình để phản ứng lại bằng những cảm giác lạc quan và yêu đời ngay khi bị từ chối. Đôi khi tôi có thể thật sự cười rất to trước sự từ chối đầu tiên trong ngày, cảm thấy rằng không gì có thể ngăn mình lại được.

Nguồn: 12 tuyệt kỹ bán hàng- Brian Tracy

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *