Hiện nay, giữa mục tiêu chiến lược đã đề ra và kết quả đạt được luôn tồn tại khoảng cách nhất định. Như vậy, các doanh nghiệp nếu muốn đạt được kết quả như mong muốn, ngoài việc phải xây dựng được một chiến lược tốt, còn cần phải có một quá trình thực thi mục tiêu chiến lược thật hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ nêu ra 10 thách thức mà các doanh nghiệp thường gặp phải trong quá trình thực hiện.
1.Văn hóa cản trở chiến lược
Khó khăn đầu tiên trong 10 thách thức là “văn hóa cản trở chiến lược’’. Đây là khi mà một chiến lược đưa ra không nhận được sự đồng thuận của mọi người, xảy ra hiện tượng “trên bảo dưới không nghe’’ hay “trên nóng dưới lạnh’’. Chiến lược đó có thể là khát khao, là mong muốn của mình, nhưng đội ngũ của mình lại chưa sẵn sàng với những mục tiêu đó. Văn hóa tụ tập, bè phái, bàn lùi và quyết theo sự đồng thuận cũng là những yếu tố gây cản trở chiến lược. Để giải quyết những tiêu cực này thì khi đó, một CEO tốt sẽ phải lắng nghe ý kiến của mọi cá nhân, đưa ra quyết định hợp lý nhất và phải bảo vệ được chiến lược của mình.
2. Năng lực của các nhà lãnh đạo
Nếu chúng ta muốn chiến lược của mình được thực thi hiệu quả, những người điều hành doanh nghiệp phải tự nhìn lại bản thân mình, đánh giá năng lực lãnh đạo của chính mình, từ đó dần dần bồi dưỡng năng lực lãnh đạo cho mình và cho cả đội ngũ BOD, Manager và toàn công ty. “All falls and rises depend on the leader”, tức là, mọi thăng trầm, lên xuống của doanh nghiệp đều phụ thuộc vào đội ngũ lãnh đạo.
3. Sự chuẩn bị cho nguồn lực và quản trị rủi ro
Nguồn lực con người là một giá trị cốt yếu, và một chiến lược không thể được thực thi nếu không có nguồn nhân lực. Để chuẩn bị cho một kế hoạch sắp tới, nguồn nhân lực cần phải được tuyển chọn từ 3, thậm chí 6 tháng trước khi thực hiện kế hoạch đó. Điều này tương tự đối với nguồn lực tài chính. Thực thi chiến lược cũng giống như đi đánh trận. Nguồn lực con người chính là quân lính, và nguồn lực tài chính là lương thực. Không có 2 thứ này thì trận chiến không thể giành thắng lợi được, cũng như chiến lược sẽ không được thực hiện thành công.
Một vấn đề khác cần phải quan tâm đó là quản trị rủi ro. Những rủi ro phải được lường trước bằng cách chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau, thay đổi phương án khi không hiệu quả và đặc biệt là người lãnh đạo phải nghiêm khắc trong việc loại bỏ những phương án không hiệu quả.
4. Sự quyết tâm của lãnh đạo và đội ngũ lãnh đạo
Đây là một yếu tố quan trọng, vì khi chúng ta đã đặt mục tiêu, xây dựng được chiến lược rồi, nhưng lãnh đạo và một đội ngũ không quyết tâm thì chiến lược đó sẽ bị cản trở. Vì vậy, để có được sự quyết tâm đó, tại các doanh nghiệp, những chính sách dành cho đội ngũ lãnh đạo cấp cao, cấp trung và chính sách dành cho nhân viên cần được đưa ra. Thêm vào đó là phát triển văn hóa động viên khích lệ trong doanh nghiệp để duy trì một đội ngũ làm việc nhiều năng lượng, sự tích cực và có thể liên tục chiến đấu.
5. Thay đổi và dám chấp nhận sự thay đổi
Nếu ta muốn đạt được mục tiêu lớn hơn so với hiện tại thì những sự thay đổi nhất định là điều cần thiết. Tiếp tục làm theo cách cũ, thì kết quả thu được cũng sẽ chỉ như cũ mà thôi. Vì vậy, nếu muốn có một kết quả vượt trội, ta phải dám chấp nhận thay đổi, bắt đầu từ chính bản thân mình, thay đổi văn hóa công ty thậm chí là thay đổi mô hình kinh doanh.
6. Giám sát và đo lường chiến lược
Các hoạt động chiến lược và mục tiêu đề ra phải được giám sát và rà soát hàng tuần, hàng tháng, hàng quý. Việc bám sát này sẽ giúp cho việc thực thi chiến lược không bị đưa vào quên lãng. Động viên, khích lệ đội ngũ hàng ngày cũng là một cách để bám sát mục tiêu. Việc giám sát và đo lường chiến lược này, đối với các doanh nghiệp SME, có thể được thực hiện dễ dàng qua các phần mềm hoặc qua nhóm kín trên Facebook, Zalo để báo cáo và quản lý mục tiêu của mình.
7. Sự động viên khích lệ.
“Lời động viên khen ngợi là bữa sáng của một nhà vô địch’’. Đội ngũ nhân viên cũng cần phải nhận được những lời động viên, khen ngợi và chia sẻ tích cực từ phía nhà lãnh đạo sau thời gian dài làm việc miệt mài. Chính những CEO, những người điều hành doanh nghiệp cũng phải có sự động viên khích lệ đối với chính mình, từ đó tiếp thêm năng lượng cho mình và cho đội ngũ nhân viên.
8. Công thức Be-Do-Have.
“Be’’ là “Belief’’: niềm tin vào mục tiêu đã đề ra, sắt đá và không thay đổi.
‘’Be’’ còn là “Be you’’: năng lực của bản thân để thực hiện mục tiêu đó.
Sau đó là “Do’’ – hành động. Với mục tiêu lớn được đặt ra, ta cần hành động hàng ngày, chăm chỉ và tập trung vào mục tiêu thì mới có thể đạt kết quả tốt được.
Cuối cùng, sau khi hành động, ta sẽ có “Have’’, tức là có thành quả.
9. Năng lực ra quyết định
Quyết định chính là sản phẩm của các chủ doanh nghiệp và CEO. Mọi quyết định quan trọng đều phải có sự bàn bạc trong BOD và cần suy nghĩ kỹ, nhưng nhiệm vụ của CEO lại là phải quyết định nhanh và làm nhanh.
10. Sức khỏe của doanh nhân và đội ngũ
Mặc dù ít được nhắc đến, đây vẫn là một vấn đề quan trọng mà nếu gặp phải, nó có thể gây cản trở cho quá trình thực thi chiến lược. Stress và những vấn đề về sức khỏe có thể ảnh hưởng lớn đến năng lượng khi ta làm việc. Vì thế, người doanh nhân cần chú trọng vào sức khỏe của mình: tập thể dục, ăn uống điều độ, giữ tinh thần thoải mái cũng như năng lượng tích cực để có thể điều hành doanh nghiệp một cách tốt nhất. Cùng với đó, sức khỏe tinh thần và thể chất của đội ngũ nhân viên cũng cần được quan tâm. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tạo một không gian làm việc tốt, làm sao cho nhân viên cảm thấy thoải mái nhất khi làm việc.
Nguồn: https://thanhs.com.vn/10-thach-thuc-trong-thuc-thi-chien-luoc/