1. Không tiết kiệm những lời khen
Ai ai cũng thích được khen và đó là một trong những điều đơn giản nhất mà bạn có thể mang lại cho cấp dưới của mình. Bên cạnh đó, một lời khen ngợi trực tiếp từ CEO chắc chắn sẽ có tác động nhiều hơn bạn nghĩ. Hãy khen tất cả những thay đổi tích cực và sáng kiến của cá nhân cũng như cả nhóm. Nhưng cũng có vài người chỉ cảm thấy thoải mái khi nhận được lời khen ngợi riêng. Tuy nhiên, hãy cố gắng khen họ trước mặt mọi người, bạn sẽ cảm nhận được sức mạnh thực sự của lời khen.
2. Loại bỏ vai trò của người quản lý
Chẳng có dự án nào lại không có người quản lý cả. Nhưng thỉnh thoảng bạn hãy thử loại bỏ vai trò của người quản lý, giám sát để tạo điều kiện cho nhân viên phát huy sự chủ động, sáng tạo của mình. Hãy để mọi người làm việc bình đẳng trong một nhóm. Càng nắm nhiều quyền chủ động và chịu nhiều trách nhiệm hơn sẽ thúc đẩy tính tự giác của nhân viên để chứng tỏ năng lực trong công việc, khi đó vấn đề có thể được giải quyết nhanh hơn.
3. Biến ý tưởng của bạn thành của mọi người
Chẳng ai vui vẻ gì khi bị người khác sai khiến. Thay vì yêu cầu nhân viên làm việc này, việc kia; bạn hãy tạo cho nhân viên cảm giác rằng chính họ mới là người đưa ra ý tưởng đó: “Cậu thấy sao nếu chúng ta làm thế này?” sẽ luôn tốt hơn “Tôi muốn cậu làm việc này cho tôi!”
4. Không chỉ trích hay bắt bẻ
Sẽ chẳng một ai muốn nghe người khác phê bình rằng mình đã làm sai. Đây là một trong những cách nhanh nhất để hạ gục tinh thần của người khác, trong khi bạn không hề muốn như vậy nhất là trong giai đoạn khó khăn của công ty. Hãy thử những cách tiếp cận gián tiếp để giúp mọi người sửa đổi, học hỏi từ những sai lầm của chính họ. Hãy đặt câu hỏi:” Đây có phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này hay chưa? Tại sao lại chưa? Bạn có ý tưởng nào tốt hơn không? Sau đó hãy cùng nhân viên thảo luận thẳng thắn để tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề thay vì “chỉ tay năm ngón”.
5. Biến mỗi nhân viên thành một người lãnh đạo
Đánh giá cao những nhân viên xuất sắc nhất và để họ biết rằng, bạn muốn họ trở thành tấm gương cho những người khác học hỏi. Từ sự công nhận của bạn, mỗi nhân viên xuất sắc sẽ luôn nỗ lực hết mình để duy trì “tấm gương” đó cho đồng nghiệp.
6. Mời nhân viên ăn trưa
Bằng cách mời nhân viên ăn trưa, bạn sẽ đem đến niềm vui và sự bất ngờ cho mọi người trong công ty. Đừng thông báo trước về điều này, hãy chọn ngẫu nhiên một ai đó. Đây là cách đơn giản để nhắc nhở với nhân viên rằng bạn luôn quan tâm đến họ và đánh giá cao đóng góp của họ trong công việc.
7. Ghi nhận công lao và tặng thưởng
Tại nhiều công ty, những hoạt động này được phổ biến nhưng đôi khi các vị quản lý lại không tận dụng được cơ hội này để khuyến khích tinh thần nhân viên. Chỉ bằng vài việc đơn giản như: thông báo trước tập thể về thành tích của nhân viên xuất sắc nhất tháng hay tổ chức các cuộc thi nho nhỏ với phần thưởng ít tốn kém như một bữa tối, phiếu spa, vé xem phim, cúp lưu niệm là đủ để khích lệ tinh thần của toàn thể nhân viên trong công ty.
8. Tổ chức các hoạt động tập thể
Làm việc nhóm luôn khiến mọi việc hoàn thành tốt hơn. Thỉnh thoảng, hãy tổ chức một chuyến pinic hay một buổi party tập thể. Đừng đợi đến các kỳ nghỉ lễ mới tổ chức các hoạt động chung mà hãy thường xuyên tổ chức những sự kiện như vậy để nhắc nhở toàn thể công ty rằng “Tất cả chúng ta là một tập thể đoàn kết”.
9. Chia ngọt sẻ bùi
Hãy tổ chức tiệc mừng khi công ty đạt doanh thu cao. Đó là thời điểm mà bạn cần gửi lời cám ơn đến tất cả nhân viên đã làm việc chăm chỉ. Hãy cho mọi người thấy bạn sẽ làm gì cho họ nếu họ giúp công ty thành công. Ngược lại, nếu kết quả không được như mong đợi thì bạn cũng nên chia sẻ điều này với họ. Nếu bạn mong chờ một kết quả cao, hãy thẳng thắn và minh bạch để nhân viên nắm rõ tình hình và nỗ lực hơn nữa.
Nguồn: Học viện Doanh nhân PACE.
Pingback: Đào tạo doanh nghiệp là gì? Vì sao đào tạo doanh nghiệp quan trọng - Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp
Pingback: Đào tạo doanh nghiệp là gì? Vì sao đào tạo doanh nghiệp quan trọng - Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp - Đại học Ngoại thương