Dịch Covid- 19 lần thứ 2 một lần nữa gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến mọi mặt của nền kinh tế mà trước đó chưa hồi phục được bao lâu. Theo Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (IEIT) NGUYỄN VĂN MINH, sự tác động của Covid- 19 đã khắc sâu hơn sự “phân hóa” giữa các doanh nghiệp, chia các doanh nghiệp theo nhiều nhóm, từ đó có những mô hình phục hồi khác nhau khi dịch có thể kiểm soát. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn vượt qua khủng hoảng, chỉ có thể dựa vào các yếu tố nội lực.
Covid- 19 khắc sâu sự “phân hóa” giữa các doanh nghiệp
– Ông đánh giá như thế nào về tác động của đợt dịch Covid- 19 lần thứ 2 đến các doanh nghiệp?
– Việt Nam là một trong những nước cân bằng được giữa việc chống dịch Covid- 19 và giữ ổn định kinh tế. Nếu như Covid- 19 lần thứ nhất hồi đầu năm, Chính phủ thực hiện giãn cách xã hội ở phạm vi rộng, thì đến giai đoạn 2 với kinh nghiệm đã có từ trước, chỉ giãn cách cục bộ từng địa phương. Điều này cũng nhằm hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy cho đến thời điểm hiện nay, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động có thời hạn so với cùng kỳ 2019 tăng lên 38%, và có đến hơn 74.000 doanh nghiệp tuyên bố phá sản. Ngân sách nhà nước vượt chi khoảng 70 nghìn tỷ đồng. Những ngành bị tác động nhiều nhất bởi Covid- 19 gồm có dệt may, da giày, sản xuất sản phẩm gỗ, du lịch, vận tải, kho bãi, bán lẻ, kinh doanh bất động sản (mặt bằng thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, căn hộ)…
Covid- 19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp về tất cả các mặt như doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền, hệ thống khách hàng, hệ thống nhà cung cấp, hoạt động sản xuất – kinh doanh. Cụ thể, doanh thu suy giảm do cầu suy giảm, do đại lý, cửa hàng đóng cửa, không triển khai được hoạt động kinh doanh. Tốc độ suy giảm doanh thu nhanh hơn nhiều so với tốc độ suy giảm của các chi phí cố định. Dòng tiền bị suy giảm do công nợ và nợ xấu không thu hồi được. Hệ thống khách hàng chủ yếu đi vào trạng thái “ngủ”, chờ đợi, hoặc do giãn cách mà các doanh nghiệp lại không có biện pháp thay thế giúp duy trì mối quan hệ với khách hàng.
Bên cạnh đó, hành vi tiêu dùng thay đổi do khách hàng có xu hướng tích trữ, tiết kiệm, cắt bỏ những khoản không cần thiết mà chỉ chủ yếu mua hàng hóa thiết yếu. Hệ thống các nhà cung cấp bị đứt gãy, thiếu nguồn sản xuất đầu vào, thiếu linh phụ kiện làm ra sản phẩm, thậm chí làm ra được nhưng lại không có bao bì, đóng gói dẫn đến không có sản phẩm hoàn chỉnh. Hoạt động sản xuất – kinh doanh mất cân bằng, tồn kho do hàng hóa không tiêu thụ được, ùn ứ không có chỗ chứa.
Đối với những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không liên quan đến tiếp xúc con người, chỉ liên quan đến cung cầu thị trường thì mức độ suy giảm thấp. Những doanh nghiệp dịch vụ liên quan đến tương tác nhiều với con người thì mức độ suy giảm sẽ cao hơn rất nhiều. Dịch Covid- 19 cũng làm sự phân hóa giữa các doanh nghiệp diễn ra rõ ràng.
– Ông có thể nói rõ hơn về sự phân hóa này?
Doanh nghiệp Việt Nam thành 4 nhóm trong tình hình Covid- 19 hiện nay. Nhóm 1, là những doanh nghiệp đã phá sản. Có nhiều doanh nghiệp giãn cách ở đợt 1, thì đến tháng 4 đã phá sản rồi. Có những doanh nghiệp tốt hơn, nhưng đến giai đoạn 2 này thì cũng bắt đầu phá sản. Bởi vì những doanh nghiệp này có những “bệnh nền” nên sức chống chịu yếu.
Nhóm 2, là những doanh nghiệp “nằm im chờ đợi”, tức là có nguồn lực dự trữ nhưng không hoạt động, bởi vì hoạt động không hiệu quả và không có điều kiện để hoạt động. Ví dụ như nằm trong địa bàn bị phong tỏa do dịch, có công nhân, cán bộ nhiễm Covid- 19…
Nhóm 3, là những doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động, có sức chống chịu, có thể không có tăng trưởng hoặc tăng trưởng chỉ từ 1- 3%. Mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong nhóm này tương đương mức độ tăng trưởng GDP quốc gia hoặc cao hơn 1-2 lần, từ 3-5%.
Nhóm 4, là những doanh nghiệp tăng trưởng tốt, bao gồm những doanh nghiệp ngành nghề được ưu tiên và có lợi thế trong dịch Covid- 19 như nhóm ngành nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế hay thương mại điện tử… Những doanh nghiệp này có khả năng bứt phá, tăng trưởng trên 10%.
4 mô hình phục hồi cho doanh nghiệp
– Ông có thể dự báo thời gian tới, doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn nào, thưa ông?
Thứ nhất, nền kinh tế đang thấm dần ảnh hưởng của Covid- 19 vì chưa có vaccine rộng rãi, chưa có miễn dịch cộng đồng. Covid- 19 với từng đợt sóng sẽ tạo ra sự bất ổn, suy giảm tính tích cực của hoạt động kinh tế, tính thanh khoản ngày càng khó khăn. Trong quý III.2020, đặc biệt là từ tháng 9 cho đến tháng 11 sẽ là khoảng thời gian “thấm đòn” dịch Covid- 19 đến nền kinh tế, khiến cho các doanh nghiệp ở nhóm 2, nhóm 3 càng trở nên khó khăn hơn.
Thứ 2, doanh nghiệp phải đối mặt với sự đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh, khó phục hồi hoặc phục hồi rất chậm. Hai sự đứt gãy ảnh hưởng lớn nhất đó chính là đứt gãy từ phía nhà cung cấp và gãy từ phía thị trường.
Thứ 3, dấu hiệu lạm sẽ phát xuất hiện, áp lực lạm phát ngày càng gia tăng vì các ngân hàng quốc gia của các nước để cứu nền kinh tế thì sẽ “bơm” rất nhiều tiền ra thị trường thông qua các gói kích cầu. Ở Việt Nam các gói kích cầu kinh tế của Chính phủ cũng tạo ra áp lực lạm phát, bên cạnh sự suy kiệt nguồn lực cầu cũng như hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi.
Về tổng thể, đến đầu năm 2021 kinh tế sẽ có sự phục hồi, nhưng chỉ ở mức cục bộ hoặc diện rộng tùy cách thức con người ứng xử với nó. Các nước trong đó có Việt Nam phải học cách sống chung với Coivid- 19, cố gắng giải tốt bài toán cân bằng giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Tình hình này ít nhất sẽ kéo dài đến hết nửa năm 2021, khi mà vaccine Covid- 19 chưa phổ biến rộng rãi.
– Ông có thể chỉ ra các mô hình phục hồi của doanh nghiệp khi kiểm soát được Covid- 19?
Có 4 mô hình phục hồi. Mô hình chữ V – bứt phá nhanh. Mô hình này phù hợp với lĩnh vực có dung lượng thị trường lớn, doanh nghiệp có sức chống chịu và thích nghi tốt, chịu được lực nén của lò xo Covid- 19, sau dịch sẽ bật lên rất nhanh. Mô hình chữ U – lấy đà và bứt phá. Đây là mô hình mà đại đa số doanh nghiệp đang kỳ vọng. Mô hình chữ L – tắt dần và chìm. Mô hình này gắn liền với những doanh nghiệp có chủ trương nằm im chờ đợi, và sau đó không thấy vực dậy được nữa. Mô hình chữ W – bất ổn. Đây là một mô hình tương đối thực tế, hiện hữu thường xảy ra, vì làn sóng Covid- 19 có thể lặp đi lặp lại nhiều lần.
Như vậy, có thể thấy rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ hồi phục theo mô hình chữ V. Đơn cử như trong lĩnh vực dệt may, không phải doanh nghiệp nào chuyển sang may khẩu trang đều thành công, chỉ những doanh nghiệp sản xuất khẩu trang đạt chuẩn quốc tế, có thể xuất khẩu thì mới phát triển.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không nên vội vàng chuyển trạng thái sớm mà nên tập trung củng cố lĩnh vực cốt lõi của mình. Muốn hồi phục nhanh, doanh nghiệp phải thực sự “khoẻ”, tức là trước hết không để bệnh dịch lây nhiễm trong doanh nghiệp. Sau đó mới chú trọng vào chuỗi cung ứng, dòng tiền, sản phẩm mới, đặc biệt là quan tâm, duy trì mối quan hệ với khách hàng và đối tác.
– Doanh nghiệp và Chính phủ cần làm gì trong thời gian tới, thưa ông?
– Hiện đã có nhiều đề xuất với Chính phủ để triển khai gói hỗ trợ lần thứ 2 cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong bối cảnh hiện nay, việc có thêm một gói hỗ trợ là cần thiết. Tuy nhiên, lần này phải rút được kinh nghiệm, đánh giá nghiêm túc hiệu quả của gói hỗ trợ lần thứ nhất, và tại sao số lượng giải ngân chưa đạt, còn chậm. Với gói hỗ trợ mới lần này sẽ phải đúng địa chỉ, đúng đối tượng, tạo ra được những giá trị, tác động thực tế. Đặc biệt, giảm thiểu gánh nặng tài chính, giảm phát sinh nợ xấu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể – một trong những nền tảng tạo ra sức bền cho nền kinh tế. Từ đó sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp học cách thích nghi với “bình thường mới”.
Về điều kiện để nhận được các gói hỗ trợ, nên giảm thiểu các thủ tục để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Cụ thể như tiếp tục kéo dài, chậm nộp bảo hiểm xã hội; giãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…, thời gian giãn thuế có thể kéo dài trong 24 tháng để cho doanh nghiệp có thể “hồi sức”. Bên cạnh đó cũng nên tạm thời dừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, phải tận dụng mọi cơ hội để cải thiện doanh thu. Phân tích tỉ mỉ cơ cấu chi phí, tính toán mức tiền mặt tối thiểu để duy trì hoạt động. Giữ nguồn lực lõi, tái cấu trúc, tiết kiệm nhưng vẫn phải chi để nuôi dưỡng nguồn lực phát triển. Cắt giảm, tối ưu hóa các khoản chi thường xuyên không cần thiết. Doanh nghiệp dù phải cắt giảm chi phí như chi phí lương nhưng không để chảy máu chất xám hay mất nguồn lực chủ chốt.
Đối với dòng tiền, phải tiến hành thu hồi công nợ, sử dụng quỹ dự phòng và tận dụng tối đa hỗ trợ tài chính, đặc biệt là các hỗ trợ tài chính và tài khóa của Chính phủ. Về phía nhà cung cấp, phải làm đồng thời một số việc như hỗ trợ nhà cung cấp trong giao nhận hàng, phối hợp với họ để khơi thông chuỗi cung ứng. Đánh giá lại tổ chức hệ thống quản trị, phân loại nguồn nhân lực, xác định đâu là nguồn nhân lực lõi, đâu là nguồn nhân lực cần thu hút. Các doanh nghiệp cũng nên tìm ra các thị trường ngách thay vì chỉ chú tâm đến những thị trường lớn; nỗ lực hết sức trước khi điều chỉnh mục tiêu, không điều chỉnh mục tiêu quá nhiều hay điều chỉnh vội vàng. Như vậy, các doanh nghiệp muốn vượt qua khủng hoảng, chỉ có thể dựa vào các yếu tố nội lực, tự lực tự cường, sản xuất tại Việt Nam thì các doanh nghiệp mới có thể tận dụng được cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do và tăng năng lực cạnh tranh.
– Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân