Kết thúc năm 2017, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ với mức tăng trưởng đạt 6,7%: thành lập mới gần 127.000 doanh nghiệp; vốn giải ngân FDI đạt mức 17 tỷ USD; tổng Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức 3.934 tỷ đồng; tổng đầu tư vốn toàn xã hội 1.667 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 424 tỷ USD;… Năm 2018, Nhà nước vẫn tiếp tục đưa ra các chính sách có lợi cho doanh nghiệp, song các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn mới khi Việt Nam tiếp tục hội nhập kinh tế sâu rộng. Vấn đề này đặt ra nhiều câu hỏi mới với các doanh nghiệp: Những xu hướng mới của kinh tế thế giới sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp tới nền kinh tế Việt Nam như thế nào? Phải làm gì để doanh nghiệp phát huy ưu thế?….
Với mục tiêu tổng kết kinh tế năm 2017 đã qua và đề ra những phương hướng phát triển cho doanh nghiệp trong năm mới 2018, Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Đại học Ngoại thương đã trân trọng tổ chức buổi Hội thảo tháng 1/2018 với chủ đề “TỔNG KẾT KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2017 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2018 – MỘT SỐ GỢI Ý CHO DOANH NGHIỆP” vào sáng ngày 13/01/2018 tại Phòng Hội thảo Quốc tế Liên Việt, Đại học Ngoại thương.
Buổi Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều đại diện doanh nghiệp đến từ các đơn vị như Công ty CP Giáo dục đào tạo Abasa CN Thái Nguyên, Công ty CP Korabo, Công ty Tư vấn toàn cầu GCP, Văn phòng Kiến trúc sư Hà Nội, Viện Năng suất Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Grasso, Tập đoàn Bảo Việt, Công ty CP Him Lam Mộc Dũng,….
Mở đầu chương trình Hội thảo, PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế đã đứng lên giới thiệu về Cộng đồng Doanh nghiệp vừa và nhỏ SMEC và chủ đề buổi Hội thảo cũng như hai diễn giả chính.
Sau phần trình bày của thầy Minh, diễn giả đầu tiên của chương trình, TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc đã tổng kết lại tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2017 vừa qua. TS. Lê Đăng Doanh đã điểm lại một số sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới: Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP, Anh rút lui khỏi EU,…Ngoài ra, TS. Lê Đăng Doanh còn tổng kết lại những thành tựu lớn của nền kinh tế Việt Nam cũng như những hạn chế vẫn còn tồn tại.
Để tiếp theo chưong trình, diễn giả thứ hai của buổi Hội thảo, TS. Nguyễn Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước đã trình bày một số chính sách mới của Nhà nước để tạo điều kiện phát triển kinh tế và các định hướng giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng và tận dụng được các chính sách mới này nhằm tạo dựng thành công cho doanh nghiệp.
Bước sang phần thảo luận, nhiều đại diện doanh nghiệp đặt ra các câu hỏi cho hai diễn giả:
“Chính phủ sẽ có những chính sách, định hướng nào để tiếp tục hỗ trợ cho khởi nghiệp? ”
“Liệu tăng trưởng 6.8% có phải là bền vững hay có hiện tượng bong bóng tăng trưởng nóng?”
“Hiện nay, qua các chiến dịch 5 năm 1 lần, lộ trình phát triển kinh tế của nước nhà đang gặp khó khăn gì? Thuận lợi gì?”
“Với xu thế phát triển hiện nay, nhà nước và chính phủ cần làm gì để phát triển đúng hướng và mạnh mẽ? (Hỗ trợ DN, chính sách, mục tiêu như thế nào…?)”
Kết thúc buổi Hội thảo, tất cả người tham dự hội thảo đã cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm buổi Hội thảo.
Sau hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi mang tính xây dựng từ các đại diện doanh nghiệp tham dự, đây là những ý kiến đóng góp rất quý giá để Viện KT &TMQT xây dựng và phát triển.
Ban Tổ chức xin chân thành cảm ơn hai diễn giả, các anh/chị và Quý Doanh nghiệp đã tham dự chương trình!