Sử dụng như một chiến lược để nâng cao kết quả hoạt động của tổ chức bằng cách lắng nghe khách hàng và nhân viên làm việc, thuyết quản lý của Peters và Waterman đã đề xướng ra một trạng thái tư tưởng hơn là một lý thuyết đơn lẻ.
Nội dung học thuyết
Để thành công, mỗi doanh nghiệp cần có kiến thức về tổ chức nội bộ và tìm ra cách thức làm việc tốt hơn và hiệu quả hơn. Mô hình 7S sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức này.
Mô hình 7S
Mô hình 7S được thiết kế bởi Tom Peters và Robert Waterman, những chuyên gia tư vấn từng làm việc tại McKinsey – một công ty tư vấn của Mỹ. Mô hình này đã được áp dụng tại nhiều công ty trên toàn thế giới. Bảy chữ “S” trong mô hình này đề cập đến bảy nhân tố bắt đầu bằng chữ “S” trong tiếng Anh: Strategy, Structure, Systems, Style, Staff, Skills và Shared values. Theo mô hình này, những mối quan hệ nội bộ giữa các nhân tố sẽ được tổ chức một cách bài bản và khoa học, và các nhân tố này sẽ chèo lái doanh nghiệp đi theo cùng một hướng nhất định.
- Chiến lược (Strategy) – bằng cách sử dụng sứ mệnh và tầm nhìn, các mục tiêu của doanh nghiệp sẽ được xác định rõ ràng.
- Cấu trúc (Structure)- doanh nghiệp được cấu trúc như thế nào và có các tầng thứ bậc nào.
- Hệ thống (Systems)- tất cả các phương pháp hoạt động, thủ tục, và các luồng thông tin liên lạc chính thức và không chính thức.
- Phong cách (Style) – trọng tâm của nhân tố này là phong cách lãnh đạo và quản lý của doanh nghiệp..
- Giá trị chia sẻ (Shared values)- các tiêu chuẩn, giá trị và các hình thức khác của đạo đức doanh nghiệp, trong đó tầm nhìn, văn hóa và bản sắc doanh nghiệp là những yếu tố then chốt.
- Kỹ năng (Skills) – nhân tố này có liên quan tới cả những kỹ năng chung của doanh nghiệp và cả những kỹ năng của nhân viên trong doanh nghiệp đó.
- Nhân sự (Staff) – trọng tâm của nhân tố này là đội ngũ nhân viên, năng lực và nhiệm vụ công việc của họ.
Yêu cầu khi áp dụng
Để đạt được thành công và duy trì sự thành công, các tổ chức cần phải:
- Sử dụng phong cách lãnh đạo chuyển đổi để khích lệ và động viên nhân viên.
- Lắng nghe khách hàng và nhân viên làm việc với khách hàng.
- Công nhận những cải tiến sản phẩm và cải thiện cách thức làm việc, thường từ những nhân viên làm việc với khách hàng.
- Thách thức tính quan liêu bất kỳ khi nào nó nổi lên và tạo ra môi trường làm việc hăng say.
- Khuyến khích các nhà quản lý tích cực chủ động, thiên về hành động hơn là xử lý chuyện đã xảy ra.
- Sử dụng cách tiếp cận buông – siết trong quản lý nhân viên. Việc này cho phép nhân viên suy xét trong những thước đo được xác định rõ ràng.
- Bám vào những gì học biết và hiểu.
Tom Peters và Robert Waterman
Mô hình quản lý này cho rằng nếu một tổ chức có năng lực tốt, 7 yếu tố này cần phải được kết nối và liên kết chặt chẽ với nhau. Do đó khi sử dụng mô hình này, người lãnh đạo cần biết yếu tố nào phải được điều chỉnh để nâng cao hiệu quả hoặc cần duy trì trong khi các nhân tố khác thay đổi.