Ngày 26/07/2018, Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế – Đại học Ngoại thương và CLB Những người làm Nhân sự (HRFC) đã tổ chức thành công Hội thảo “Từ BSC đến KPI thực chiến”.
Theo khảo sát gần đây, hơn 80% số tập đoàn trong Top Fortune 500 cùng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận trên khắp thế giới đã áp dụng công cụ BSC – KPI. Bắt kịp xu thế hiện tại, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng đang dần thay thế các phương pháp quản trị truyền thống bằng hệ thống BSC – KPI. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng và triển khai, các doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc và khó khăn như:
Doanh nghiệp không xác định được các chỉ số KPI cần đo lường? Nhân viên không hứng thú và không phấn đấu thực hiện KPI?
Hiểu được những khó khăn đó của Doanh nghiệp, Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế – Đại học Ngoại thương và CLB Những người làm Nhân sự (HRFC) đã đồng tổ chức chương trình Hội thảo “Từ BSC đến KPI thực chiến” vào ngày 26/07/2018.
Chương trình có sự tham gia của hơn 30 đại diện doanh nghiệp đến từ nhiều Công ty khác nhau đã đóng góp rất lớn cho sự thành công của Hội thảo.
Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của 2 diễn giả có rất nhiều kinh nghiệm thực tế về xây dựng và triển khai BSC&KPI tại doanh nghiệp: PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế và chị Nguyễn Hoài Giang, Giám đốc Nhân sự Nhật Cường Mobile.
Trong phần đầu tiên của chương trình, PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh đã trình bày khái quát về hệ thống quản trị doanh nghiệp BSC&KPI. Hệ thống bảng điểm cân bằng (Balance Scoredcard – BSC) là một hệ thống quản lý chiến lược dựa vào kết quả đo lường và đánh giá, được áp dụng cho mọi tổ chức. Còn hệ thống đo lường & đánh giá hiệu quả công việc (Key Performance Indicator – KPI) là công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công việc được thể hiện qua số liệu, tỷ lệ, chỉ tiêu định lượng, nhằm phản ảnh hiệu quả hoạt động của các tổ chức hoặc bộ phận chức năng hay cá nhân. PGS. TSKH Nguyễn Văn Minh nhận định: “Doanh nghiệp nào cũng cần BSC&KPI, thứ nhất là để đảm bảo cân bằng trong doanh nghiệp, thứ hai là để đánh giá và nâng cao năng suất lao động.”
Thầy cũng trình bày các cách thức chính để xây dựng và triển khai BSC&KPI trong doanh nghiệp, bắt đầu từ việc phân tích SWOT, vẽ ra sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp, dựa trên cơ cấu tổ chức và chuỗi giá trị của doanh nghiệp để đưa ra các mục tiêu cân bằng và các chỉ số KPI để đo lường.
Phần thứ hai của chương trình, chị Nguyễn Hoài Giang, Giám đốc Nhân sự Nhật Cường Mobile đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của chính bản thân chị trong quá trình triển khai BSC&KPI tại Nhật Cường. Có rất nhiều khó khăn từ việc thuyết phục Ban Giám đốc Công ty, cho đến phổ biến KPI đến toàn thể nhân viên, thúc đẩy nhân viên làm việc hướng tới mục tiêu, đo lường và đánh giá các chỉ số KPI khác nhau,….Tuy nhiên, từ quá trình đó chị đã rút ra được rất nhiều bài học giúp ích cho các doanh nghiệp khác.
Sau một thời gian nghỉ giải lao ngắn, Hội thảo bước vào phần 3: Q&A. Nhiều đại diện doanh nghiệp đã đưa ra câu hỏi cho diễn giả: Quy trình kiểm tra và đánh giá KPI ? Nếu nhân viên mãi không đạt chỉ tiêu KPI thì làm như thế nào? Chỉ số KPI của quý trước không đạt được được cộng dồn vào KPI của quý sau dẫn đến KPI của quý sau đánh giá không chính xác thì nên làm như thế nào? Quá trình triển khai BSC&KPI rất phức tạp, có thể làm thế nào để đơn giản hơn, rút ngắn thời gian?…
Kết thúc buổi Hội thảo, tất cả người tham dự hội thảo đã cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm buổi Hội thảo.
Ban Tổ chức xin chân thành cảm ơn hai diễn giả, các anh/chị và Quý Doanh nghiệp đã tham dự chương trình!