– Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao nhiệm kỳ thủ tướng/tổng thống/chủ tịch,…chỉ kéo dài 4-5 năm?
– Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao hợp đồng lao động có thời hạn chỉ ký đến 3 năm?
– Đã bao giờ bạn để ý rằng khi bố/mẹ qua đời, 3 năm sau mới được bốc mả, 3 năm sau con cái mới được lấy vợ lấy chồng?
– Đã bao giờ bạn tìm hiểu tại sao các công ty hay khấu hao tài sản cố định tối đa chỉ là 3 năm?
– Tại sao các kế hoạch đặt ra thường là 5 năm lần thứ nhất, 5 năm lần thứ 2?
– Tại sao các công ty thường 5 năm phải tái cơ cấu, tái tổ chức lại 1 lần?
…
Rất nhiều, rất nhiều thứ trong cuộc sống này đều có mốc 3-5 năm là phải thay đổi, thay thế hoặc cắt bỏ. Bởi theo tính toán trong kinh tế học và quy luật tự nhiên, 3-5 năm nó là 1 chu kỳ VAI-ĐẦU-VAI. Nghĩa là thời điểm ban đầu lợi ích sẽ đi lên, đạt đỉnh và bắt đầu đi xuống.
Giả sử bạn mua 1 chiếc xe máy, thời gian đầu xe còn mới, bạn chỉ việc đổ xăng và chạy, thi thoảng bảo dưỡng định kỳ và xe không hỏng hóc gì cả. Chi phí cho sửa chữa gần như bằng 0. Khi qua năm thứ 2, xe cũ dần và bạn phải sửa chữa, đại tu nhiều hơn.
Đến thời điểm sau 3 năm, hiệu quả kinh tế mà chiếc xe mang lại không bằng chi phí bỏ ra để sửa chữa nữa. Lúc này nghĩa là chi phí và hiệu quả đã giao nhau, bạn buộc phải thanh lý xe để mua xe mới hòng mang lại hiệu quả tốt hơn.
Trong cuộc sống và kinh doanh, ta cần phải luôn luôn để ý đến điểm giao nhau giữa 2 đường chi phí và hiệu quả. Thời điểm giao nhau này thường ở giai đoạn sau 3-5 năm. Lúc đó cần phải có những hành động để không bị tình trạng bỏ ra chi phí khá nhiều trong khi hiệu quả mang lại lại không đáng kể, nghĩa là lúc đó ta đang lỗ dần.
Điều này được minh chứng vì người Nhật có hẳn một Triết lý Tên Lửa.
Nhớ ngày xưa làm việc với người Nhật, những buổi đầu thật là khó khăn đối với tôi. Lạ lẫm về văn hoá, ngôn ngữ đến cách sống. Tháng làm việc đầu tôi liên tục bị trừ lương vì đến muộn (7h vào làm nhưng 7h5′ tôi mới có mặt), vì chậm deadline dù chỉ 2 tiếng, vì không chào cấp trên, vì không mặc vest,…
Sau này quen dần thì tôi không bao giờ bị vậy nữa mà thậm chí còn liên tục được thưởng vì thành tích trong công việc cũng như sự đóng góp cho các hoạt động chung. Lúc đó, những người bạn Nhật mới tâm sự với tôi rằng: bọn tao rất sợ người Việt Nam vì chúng mày học nhanh, thông minh nhưng tiếc là bọn mày lại khá tuỳ tiện, chẳng theo nguyên tắc nào cả nên thành tích lại kém hơn bọn tao, còn kiểu như mày thì chỉ là số ít thôi.
Quãng thời gian tiếp xúc với văn hóa Nhật, tôi thấy các công ty Nhật thường áp dụng nguyên tắc cắt giảm 3M cực kỳ mạnh. 3M là từ viết tắt của:
– Muda: sự lãng phí, hiệu quả thấp mà chi phí cao
– Muri: sự bất hợp lý, không đúng quy luật, không bình thường
– Mura: sự không nhất quán, bất ổn định, kẻ xây người phá
Tóm lại, những gì vi phạm nguyên tắc 3M họ đều cho triệt tiêu, không bao giờ để tồn tại.
Họ cũng kể cho tôi nghe câu chuyện về chiếc tên lửa phóng vệ tinh. Ban đầu từ mặt đất, chiếc tên lửa rất to và dài, nó mang theo những khoang chứa nguyên liệu lớn để phục vụ cho quá trình đẩy vệ tinh lên quỹ đạo.
Nhưng càng lên cao, chiếc tên lửa càng ngắn và nhỏ dần, bởi lẽ những khoang đã đốt hết nhiên liệu được hệ thống tự động cắt bỏ để giảm trọng lượng, giúp cho tên lửa này được lên cao hơn. Nếu không cắt thì cả tên lửa sẽ chịu thêm sức nặng của những khoang nhiên liệu rỗng không còn tác dụng.
Người Nhật gọi đây là Triết lý Tên lửa. Mặc dù giai đoạn đầu bạn có thể có công rất lớn như khoang nhiên liệu kia, nhưng đến thời điểm nào đó, bạn không còn giá trị đóng góp vào kết quả chung, bạn sẽ bị đào thải nếu không cả bộ máy sẽ không tiến lên được. Triết lý này có vẻ tàn nhẫn nhưng thực dụng và hiệu quả cao.
Dù hiện tại không còn làm việc với người Nhật nữa, nhưng giai đoạn đó đã giúp tôi nhận thức rõ về ý chí cũng như sự quyết liệt của họ, từ đó tự đề ra các nguyên tắc của riêng mình. Một cá nhân sông không theo nguyên tắc nào thì không phải là họ đang sống mà chỉ đang bám gửi cuộc sống này vào những người xung quanh mà thôi.
Tuấn Nguyễn
Theo Kiến thức Kinh tế