Nên là một con nhím hay con cáo trong kinh doanh? - Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp

Nên là một con nhím hay con cáo trong kinh doanh?

Đánh giá bài đăng này post

Những người xây dựng nên các công ty nhảy vọt đều là nhím, ở một mức độ nào đó. Họ dùng bản chất của mình để tiến đến một điều, tạm gọi đó là “Khái niệm con Nhím”. Những người lãnh đạo công ty đối trọng thường là Cáo, không nắm được lợi thế rõ ràng của khái niệm con Nhím, mà lại tản mạn, không nhất quán. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta nghiên cứu về Thuyết Con nhím (Hedgehog Concept), và cùng thảo luận về việc tại sao doanh nghiệp nào cũng cần đến những chú nhím.

Nếu có cơ hội lựa chọn, bạn sẽ làm cáo hay làm nhím?

Cáo xinh đẹp, khéo léo và thậm chí còn ma mãnh nữa. Do đó, hiển nhiên nhiều người sẽ lựa chọn con vật này; trong khi đó, nhím – một sinh vật có gai nhỏ thường sinh sống ở châu Âu, châu Á và châu Phi – thì hoàn toàn ngược lại: chúng vừa lề mề, không ồn ào và còn nhàm chán.

Vậy rốt cuộc cáo và nhím thì liên quan gì đến sự thành công của một doanh nghiệp?

Trong bài viết này, chúng ta nghiên cứu về Thuyết Con nhím (Hedgehog Concept), và cùng thảo luận về việc tại sao doanh nghiệp nào cũng cần đến những chú nhím.

chien luoc con nhim 1
                                               Chiến lược con nhím

Về mô hình:

Thuyết Con nhím ra đời dựa trên một câu chuyện ngụ ngôn của Hy Lạp cổ đại với ý nhấn mạnh là: “Con cáo ma mãnh biết rất nhiều thứ, nhưng nhím lù đù thì chỉ thuộc nằm lòng một thứ thôi”.

Trong câu chuyện ngụ ngôn, cáo dùng rất nhiều chiến lược mưu mẹo để bắt lấy nhím. Nó biết rình rập, tấn công, lại chạy nhanh và thậm chí còn biết giả chết. Ấy thế mà, hết lần này đến lần khác, cáo thường bị đánh bại, thân mình cắm chi chít gai. Sau tất cả, cáo vẫn không bao giờ hiểu được chuyện nhím chỉ biết làm thành thục một hành động, đó chính là tự vệ.

Triết gia Isaiah Berlin lấy câu chuyện ngụ ngôn này và đưa vào đời thực qua một bài luận của ông, ra mắt năm 1953, với tựa đề “The Hedgehog and the Fox” (Tạm dịch: Cáo và Nhím), theo đó Berlin phân loại con người thành hai nhóm: cáo và nhím.

Trong bài luận, ông lập luận rằng cáo là loài động vật khéo léo và ma mãnh, luôn theo đuổi nhiều mục tiêu và lợi ích.

Bởi chúng có quá nhiều mối quan tâm và chiến lược khác nhau, nên suy nghĩ của chúng thường bị xao nhãng và không tập trung. Do đó, trong dài hạn chúng khó mà đạt được một thành tích thật sự xuất sắc.

Trái lại, nhím tuy rất lù đù và chậm chạp và thường ít được chú ý đến lại có thể nhìn mọi việc theo cách đơn giản và tập trung vào một tầm nhìn bao quát nhất. Đó là cách tư duy giúp nhím ra quyết định và làm mọi thứ, và điều đó giúp chúng thành công bất chấp mọi điều kiện bất lợi.

Jim Collins phát triển ý tưởng này trong cuốn sách kinh điển năm 2001 của mình, “Good to Great” (Tạm dịch: Từ tốt đến vĩ đại). Theo Collins, các tổ chức sẽ có nhiều khả năng thành công hơn nếu họ tập trung vào một việc, và làm tốt việc đó. Bằng cách này, họ có thể đánh bại đối thủ cạnh tranh của họ và trở thành những doanh nghiệp thực sự vĩ đại.

Một công ty có thể vạch ra “Chiến lược con nhím” của mình thông qua việc suy xét 3 điều sau. Thứ nhất, tổ chức đó phải có khả năng hiểu được niềm đam mê thực sự của những con người trong công ty. Thứ hai, công ty đó cần xác định được những gì mình có thể làm tốt hơn so với bất cứ ai khác. Và cuối cùng, tổ chức đó cần xác định điểm mạnh có thể khai thác để tạo ra doanh thu.

Lối đi đúng đắn là nơi giao thoa của ba câu trả lời trên, và vị trí trung tâm này được coi là “tâm chấn” cho chiến lược của tổ chức. Chúng tôi mô tả điều này trong hình 1 dưới đây.

chien luoc con nhim
                                                         

Khi một tổ chức đã xác định được chiến lược con nhím của mình, lãnh đạo của tổ chức nên dành tất cả năng lượng và nguồn lực để theo đuổi một thứ mà họ làm tốt nhất. Collins cho rằng khi mọi thứ trở nên khó khăn, thì doanh nghiệp nào tập trung vào điểm mạnh của mình thay vì quờ quạng tìm ra các chiến lược thay thế, mới là những doanh nghiệp có thể sống sót và phát triển

Áp dụng mô hình:

Hãy tập trung vào mỗi vòng tròn trong ba vòng trên và nghiên cứu xem bạn có thể áp dụng chúng cho tổ chức của bạn như thế nào:

Bước 1: Hiểu đam mê của bản thân

Hãy suy nghĩ xem, điều gì khiến cho bạn đắm đuối với công việc. Điều gì đánh thức bạn vào mỗi buổi sáng và giữ bạn làm việc miệt mài đến tối muộn khi những người khác đã về nhà?

Và điều mà nhân viên của bạn cảm thấy hào hứng nhất là gì? Điều gì truyền cảm hứng cho họ về mục đích của tổ chức? Và khi tuyển thêm những nhân sự mới bạn thường cân nhắc tới những động cơ cá nhân và giá trị nào?

Sau đó, hãy xem lại sứ mệnh và tầm nhìn của tổ chức. Giá trị cốt lõi của tổ chức là gì, và những nhân viên của bạn có thể thấm nhuần những giá trị này đến đâu?

Bước 2: Xác định những gì bạn có thể làm giỏi nhất

Trong vòng tròn này, mục tiêu của bạn là nhận thức được những gì tổ chức của bạn có thể làm tốt hơn so với bất kỳ đối thủ nào khác. Nếu bạn không thể là số một trong ngành mà bạn đang kinh doanh, thì đây không nên là cơ sở của chiến lược con nhím.

Bạn cũng cần phải biết những lĩnh vực mà bạn không có cơ hội trở thành số một. Hãy trung thực khi xem xét những điểm yếu này, và nhớ rằng việc không phải là một tổ chức hàng đầu trong một lĩnh vực nào đó là hoàn toàn bình thường – vì việc tìm ra điểm mà mình giỏi nhất (trái với việc mình kém) thì có tác động mạnh mẽ hơn rất nhiều

Bước 3: Nhận biết động cơ kinh tế của bạn

Để có một động cơ kinh tế lành mạnh, tổ chức của bạn hoàn toàn phải hiểu làm thế nào để tạo ra dòng tiền bền vững và lợi nhuận. Sự thấu hiểu này nên được thể hiện như một “mẫu số kinh tế” hay biện pháp mà có thể có tác động lớn nhất và bền vững nhất đến sự thành công lâu dài của tổ chức.

Ví dụ, trong những năm 1970, tầm nhìn của nhà bán lẻ khổng lồ ở Mỹ – Walgreens là trở thành nhà thuốc tiện lợi nhất trên thế giới. Công ty này tin rằng mình này có thể đạt được mục tiêu này, và có đủ niềm đam mê để tiếp tục theo đuổi tham vọng đó. Để đo lường sự thành công dựa trên chiến lược của mình, Walgreens đã thay đổi trọng tâm từ lợi nhuận trên mỗi cửa hàng thành lợi nhuận trên mỗi khách hàng, vì nhà bán lẻ này xác định rằng điều này phù hợp hơn với tầm nhìn của công ty.

Bằng cách chú trọng vào mục đích tạo nên sự tiện lợi cho mọi người, công ty này đã mở thêm nhiều cửa hàng mới, theo đó là lượng khách hàng ghé thăm cũng nhiều hơn, dẫn đến kết quả lợi nhuận tăng lên trên toàn bộ hệ thống bán hàng của công ty. Nếu lựa chọn chiến lược tập trung vào lợi nhuận trên mỗi cửa hàng, mà có thể đạt được bằng cách giảm tổng số lượng cửa hàng, thì thành công thu được chắc chắn sẽ ít hơn vì nó lệch với định hướng ban đầu của Walgreens là đánh vào tính tiện lợi.

Bước 4: Tìm kiếm “tâm chấn”

Một khi bạn đã xem xét ba vòng tròn của mô hình, hãy tìm kiếm điểm giao của chúng. Tại nơi chúng giao nhau, bạn sẽ tìm thấy chiến lược con nhím: tầm nhìn trung tâm để định hướng chiến lược của tổ chức.

Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng mọi người trong tổ chức của bạn có đam mê về sáng tạo, đổi mới và làm điều tốt cho những người khó khăn. Đồng thời, bạn nhận ra rằng mình có khả năng trở thành công ty phát triển các hệ thống lọc nước tốt nhất thế giới, với giá cả phải chăng và các bình chứa nước di động. Bạn có một mạng lưới tổ chức từ thiện lớn, và bạn có kinh nghiệm trong việc buôn bán với khối lượng lớn và có sẵn những khách hàng lớn

Vì vậy, một chiến lược con nhím khả thi có thể là phát triển một hệ thống lọc nước di động để người dân ở các quốc gia đang phát triển có thể sử dụng để lọc nước sông. Bạn có thể bán các sản phẩm này với số lượng lớn cho các tổ chức từ thiện.

Đừng lo lắng nếu chiến lược con nhím của bạn chưa định hình rõ ràng ngay lập tức. Bạn có thể phải làm một số phân tích bổ sung hoặc tìm tòi các kết hợp khác nhau để tìm ra tầm nhìn cốt lõi phù hợp nhất với bạn.

Bước 5: Đánh giá chiến lược của bạn

Một khi bạn đã tìm thấy các khu vực tốt nhất trên sự giao nhau giữa các vòng tròn, hãy xem xét chiến lược hiện tại của bạn. Công ty được lợi gì từ việc phát triển một chiến lược đổi mới, dựa trên những gì bạn đã học được?

Bạn cũng sẽ cần thành thật với thành viên trong đội mình về chiến lược mới. Hãy giải thích chiến lược con nhím là gì, và chuyển tải thông điệp vì sao nó quan trọng đến mức công ty gắn nó với chiến lược của mình để phản ánh niềm đam mê thực sự, điểm mạnh và khả năng kinh tế của tổ chức đó.

Một khi chiến lược mới đã khớp với tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp, nó sẽ vạch ra mối tập trung lâu dài cho không chỉ nhân viên mà còn là nhà cung cấp và khách hàng của công ty.

chien luoc con nhim su dung suc manh cua su gian don de thanh cong
                                                                Chiến lược con nhím

Nguồn: internet; 

Sách “Good to Great” (Tạm dịch: Từ tốt đến vĩ đại)