Việc đào tạo nghề nghiệp, góp phần khôi phục thị trường lao động là một thách thức lớn và còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, cần sự chung tay của tất cả các chủ thể…
🛑 Doanh nghiệp cần nhân lực có kỹ năng nghề
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, trong đó có việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động của các ngành kinh tế, đồng thời tạo nên những thách thức to lớn về việc làm và kỹ năng nghề của thị trường lao động hiện tại và tương lai.
Dự kiến sẽ có hơn 200 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng rất cao so với các năm trước đó. Kể cả những nền kinh tế rất phát triển như Mỹ, Anh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Dự báo đến năm 2025, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau; khoảng 40% người lao động sẽ cần được đào tạo lại; 84% người sử dụng lao động sẽ chuyến sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; một số lượng lớn công ty cũng dự kiến sẽ thay đổi địa điểm, chuỗi giá trị và quy mô lực lượng lao động do các yếu tố công nghệ tác động.
Doanh nghiệp cần nhân lực có kỹ năng nghề để sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; các cơ sở Giáo dục Nghề nghiệp cần doanh nghiệp để cho người học thực hành thực tập và nắm bắt nhu cầu để đào tạo; người học, người lao động cần việc làm, cần sinh kế. Việc đào tạo nghề nghiệp, góp phần khôi phục thị trường lao động là một thách thức lớn và còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, cần sự chung tay của tất cả các chủ thể…
🛑 Phương án cung ứng lao động qua đào tạo
Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.
Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử đang thiếu lao động sau dịch. Tính tới ngày 21/10, các doanh nghiệp điện tử phía nam mới thu hút được khoảng 60-70% lao động quay trở lại làm việc. Nếu tuyển mới, doanh nghiệp sẽ lại phải giải “bài toán” về đào tạo lại lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang gặp phải tình trạng khi dịch COVID-19 xảy ra thì tỷ lệ thất nghiệp rất lớn, lao động rời thị trường nhiều. Ngược lại khi kinh tế phục hồi, doanh nghiệp sản xuất trở lại thì thiếu hụt lao động xảy ra.
👉 Để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, một yêu cầu quan trọng nhất là người lao động quay trở lại sản xuất. Việc khôi phục lại hoạt động doanh nghiệp cần 4 chính sách, đó là phúc lợi cho lao động nhập cư, chính sách xã hội và an sinh xã hội, y tế phòng chống dịch và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nguồn: Báo Điện tử – Đảng Cộng sản Việt Nam