Nhiệm vụ:“Xây dựng và phát triển chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành Công thương Việt Nam trong chuyển đổi số”
Chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS, TSKH Nguyễn Văn Minh
Cơ quan chủ trì: Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp
Thời gian thực hiện: 2023 – 2025
Trong thời đại số hóa, chuyển đổi số đã trở thành một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai các chương trình chuyển đổi số với những kinh nghiệm quý báu.
Là đơn vị được Bộ Công thương lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ : “Xây dựng và phát triển chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành Công thương Việt Nam trong chuyển đổi số”, Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp Trường Đại học Ngoại thương đã tiến hành nghiên cứu các kinh nghiệm trong Quốc tế cũng như tại Việt Nam để đúc rút ra những nội dung phù hợp, có thể áp dụng trong chuyển đổi số doanh nghiệp tại Việt Nam.
Kinh nghiệm Quốc tế
Trong quá trình triển khai nghiên cứu, các thành viên thực hiện nhiệm vụ đã tổng hợp một số kinh nghiệm chuyển đổi số thành công được ghi nhận thực tế tại Singapore, Đài Loan, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan.
Các nghiên cứu và triển khai tại các quốc gia tiên tiến như Singapore và Indonesia, cũng như một số quốc gia Châu Á khác cho thấy rằng một chiến lược chuyển đổi số hiệu quả cần phải có sự tham gia và cam kết của tất cả các bên liên quan. Việc đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên là một yếu tố then chốt. Đặc biệt, việc áp dụng các công cụ đánh giá và lập kế hoạch chi tiết giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về trạng thái hiện tại và các bước cần thiết để tiến tới mục tiêu chuyển đổi số.
Kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số tại Singapore
Singapore đã thực hiện nhiều nghiên cứu và triển khai các chương trình chuyển đổi số khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Chương trình Smart Industry Readiness Index (SIRI) của Singapore không chỉ cung cấp một công cụ đánh giá toàn diện mà còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch và thực hiện các bước cần thiết để đạt được mục tiêu chuyển đổi số. Việc áp dụng SIRI đã giúp nhiều doanh nghiệp Singapore nhận ra những điểm yếu và điểm mạnh của họ, từ đó xây dựng các chiến lược phù hợp để cải thiện và nâng cao hiệu suất.
Ngành công nghiệp sản xuất đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của Singapore kể từ khi thành lập. Năm 2018, Singapore được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) chọn là một trong những quốc gia có vị trí tốt nhất cho Công nghiệp 4.0 với ngành sản xuất đóng góp tới 21,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Để đạt được mục tiêu phát triển lĩnh vực sản xuất lên 150 tỷ SGD, đồng thời duy trì tỷ trọng hiện tại khoảng 20% GDP, chính phủ Singapore gần đây đã công bố Kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới trong các hoạt động sản xuất tiên tiến, đầu tư vào công nghệ chuyển đổi số nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách.
Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB), hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu, các công ty tư vấn và các chuyên gia trong ngành và học thuật, đã tạo ra Bộ chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng cho công nghiệp thông minh (SIRI) nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất thuộc mọi quy mô trong toàn ngành bắt đầu, mở rộng quy mô và duy trì hành trình chuyển đổi sản xuất để thực hiện các dự án hỗ trợ quá trình tự động hóa, thông minh và kết nối.
Theo đó lĩnh vực trọng tâm chính để xây dựng một nhà máy thông minh là: (1) Xác định trụ cột vận hành cần thiết cho quá trình chuyển đổi gồm: các động lực kinh doanh, thay đổi tổ chức và chuyển đổi công nghệ; (2) Xác định các trường hợp sử dụng để kích hoạt sản xuất thông minh trong tất cả các bước trong chuỗi giá trị;
(3) Tạo ra giải pháp kết nối gồm việc sử dụng cảm biến và phần cứng để thu thập dữ liệu trong các hoạt động của nhà máy và phát triển cơ chế an toàn để thu thập, phân tích và lưu trữ dữ liệu; (4) Chuyển đổi nhà máy thông minh sau khi mô hình dữ liệu tối ưu đã được xác định và quy trình nhập, làm giàu, lưu trữ dữ liệu được xây dựng để cung cấp phân tích dữ liệu lịch sử và dữ liệu thời gian thực.
Đối với Singapore, Công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội củng cố vai trò trung tâm sản xuất toàn cầu và củng cố các cơ sở sản xuất của Singapore. Bằng cách áp dụng một giải pháp cung cấp khả năng hiển thị sâu rộng trong các thỏa thuận bán hàng, dự báo, quản lý quan hệ khách hàng (CRM), cộng tác, phân tích,…các công ty Singapore có thể tận dụng lợi thế của kỹ thuật số hóa và sử dụng phương pháp tích hợp để nâng cao mức độ cạnh tranh.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Singapore, mặc dù đã tích lũy và lưu trữ một lượng lớn dữ liệu nhưng việc khai thác và ứng dụng giá trị dữ liệu vẫn chưa hoàn thiện. Do nguồn lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hạn chế nên họ ít có khả năng xây dựng một nhà máy thông minh hoàn chỉnh như các doanh nghiệp lớn. Chính phủ Singapore đề xuất nắm bắt những gì họ cần thông qua cách tiếp cận mô-đun, sau đó xây dựng một nhà máy hoàn chỉnh hơn theo nhu cầu.
Mục tiêu của chính phủ Singapore đối với quá trình chuyển đổi doanh nghiệp nhỏ không chỉ nhằm tối ưu hóa hoạt động mà còn mong muốn các công ty tận dụng tốt công nghệ số để thiết lập mô hình kinh doanh mới. Khi doanh nghiệp dần dần có thể tối ưu hóa các thông số sản xuất hoặc tích hợp các hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến, bước tiếp theo trong quá trình chuyển đổi là nâng cấp lên cấp độ chiến lược kinh doanh.
Chính phủ Singapore triển khai Chương trình Lãnh đạo Công nghệ dưới dạng dịch vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đo lường mức độ sẵn sàng kỹ thuật số và xác định khoảng cách trong quá trình chuyển đổi. Chương trình cung cấp hơn 450 giải pháp chuyển đổi số, tập trung vào AI, điện toán đám mây và công nghệ dữ liệu. Hợp tác với các cơ quan tư vấn, đặc biệt là tư vấn CNTT, chương trình giúp giảm rủi ro cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua đào tạo kỹ năng chuyên môn.
Chính phủ cũng triển khai Chương trình lãnh đạo kỹ thuật số (DLP) cho hoạt động tuyển dụng nhóm chuyển đổi kỹ thuật số bao gồm một nhà lãnh đạo (lãnh đạo kỹ thuật/lãnh đạo kỹ thuật số) và một nhóm gồm tối đa 5 tài năng kỹ thuật số (nhà khoa học dữ liệu, kiến trúc sư đám mây).
Sáng kiến SME tiến bước số (SMEs Go Digtal) là một trong những biện pháp chính để tăng cường chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp trọng tâm thông qua là hỗ trợ các doanh nghiệp SME đánh giá một cách có hệ thống mức độ số hóa và cải thiện theo nhu cầu chuyển đổi.
Giải pháp của SME Go Digital có mức độ tùy chỉnh cao. Các công ty Singapore tích cực đầu tư vào đào tạo nhân tài, thiết lập các mô hình dịch vụ mới và thiết lập định hướng hướng đến kỹ năng số, đây là chìa khóa để thực sự thúc đẩy quá trình chuyển đổi và nâng cấp sản xuất thông minh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Singapore còn tổ chức các hội thảo, khóa học và chương trình đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Các chương trình này không chỉ tập trung vào việc nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho nhân viên mà còn cung cấp các giải pháp cụ thể để giải quyết các thách thức mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số.
Kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số tại Indonesia
Nhanh chóng nổi lên như một cường quốc kỹ thuật số với hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh và các giải pháp kỹ thuật số sáng tạo, Indonesia đang tận dụng công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân nước này
Trải qua đại dịch Covid-19, Indonesia đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của chuyển đổi số và lấy đó làm trọng tâm để thay đổi cả đất nước. Chính phủ Indonesia đã ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia “Lộ trình Kỹ thuật số 2021-2024”, trong đó bao gồm bốn yếu tố về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, quản lý kỹ thuật số, công dân kỹ thuật số và nền kinh tế kỹ thuật số.
Để đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phát triển thành công, chính phủ đã thực hiện một kế hoạch tài trợ hỗn hợp với mục tiêu nâng cao tỷ lệ kết nối Internet một cách bền vững và giảm sự chênh lệch về kỹ thuật số của Indonesia.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang nỗ lực hướng tới việc tạo ra những công dân kỹ thuật số thông qua đào tạo năng lực và hiểu biết kỹ thuật số. Trong khi đó, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có đủ năng lực hơn để phát triển doanh nghiệp của minh trên các nền tảng kỹ thuật số. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng chú ý đến việc phát triển các kỹ năng kỹ thuật số.
Để đạt được mục tiêu này, chính phủ sẽ tổ chức các chương trình học bổng kỹ thuật số và tài năng kỹ thuật số. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cung cấp chương trình đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cho 15 triệu người từ nay đến năm 2024. Chính phủ cũng sẽ đào tạo cho 300.000 người trong khuôn khổ chương trình học bổng tài năng kỹ thuật số nhằm đáp ứng nhu cầu 9.000.000 tài năng kỹ thuật số của cả nước.
Khả năng cạnh tranh kỹ thuật số của Indonesia được cải thiện mạnh mẽ trong những năm qua nhờ dòng vốn đầu tư ổn định và việc áp dụng công nghệ nhanh chóng, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Một báo cáo chung do East Ventures, PwC Indonesia và Katadata Insight Centre công bố mới đây cho thấy sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số Indonesia trên khắp 34 tỉnh, thành có được là nhờ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có sẵn, nguồn nhân lực, hoạt động kinh tế kỹ thuật số và nhất là sự hỗ trợ của chính phủ.
Chỉ số cạnh tranh kỹ thuật số của 34 tỉnh, thành của Indonesia duy trì đà tăng trong suốt ba năm qua, bất chấp tác động của dịch bệnh. Theo báo cáo trên, 88,7% số người được hỏi muốn mở rộng kinh doanh và đầu tư vào các khu vực của Indonesia có tiềm năng về thị trường.
Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia (Bappenas) cho biết, công nghệ kỹ thuật số có tiềm năng tạo ra 20 triệu đến 45 triệu việc làm mới cho lao động ở nước này. Bộ này cho biết, quá trình số hóa có thể khiến 2,4 triệu người dân bị mất việc làm, song sẽ cung cấp hàng chục triệu vị trí tuyển dụng mới.
Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia, Suharso Monoarfa cho rằng, Indonesia cần thúc đẩy chuyển đổi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch, bằng nhiều cách như nâng cao kỹ năng người lao động, để nền kinh tế quốc gia không chỉ phục hồi mà còn tăng trưởng hơn 5% mỗi năm.
Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, Airlangga Hartarto cũng cho rằng, chuyển đổi kỹ thuật số là chìa khóa tăng tốc phục hồi kinh tế. Chính phủ Indonesia đã và đang sử dụng công nghệ để xử lý dịch bệnh thông qua công nghệ y tế và y tế từ xa. Ông khẳng định, Chính phủ Indonesia đã thành công trong việc ngăn chặn các làn sóng lây nhiễm sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr kéo dài, cũng như sau mùa hành hương Hajj của các tín đồ Hồi giáo Indonesia tới Thánh địa Mecca ở Saudi Arabia.
Trước hết, Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy chương trình “Making Indonesia 4.0” với mục tiêu ứng dụng các công nghệ tiên tiến như robot, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (IoT) vào các lĩnh vực sản xuất. Chương trình cũng nhằm mục đích phát triển lực lượng lao động có năng lực để hỗ trợ chuyển đổi số của các ngành.
Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng đưa ra một số khung pháp lý, chẳng hạn như luật Thông tin và Giao dịch Điện tử (UU ITE). Những quy định pháp lý này đã và đang hỗ trợ ngành Thương mại điện tử của Indonesia điều chỉnh các giao dịch trực tuyến, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng.
Ngoài ra, chương trình ươm tạo do chính phủ Indonesia hỗ trợ “Startup Studio Indonesia” đang hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, các công ty như Google, Alibaba và Tencent đều đang đầu tư vào nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia.
Kinh nghiệm được rút ra
Từ các nghiên cứu tại các quốc gia trên, nhóm triển khai nhiệm vụ đề tài: “Xây dựng và phát triển chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành Công thương Việt Nam trong chuyển đổi số” đã đúc rút ra được một số kinh nghiệm về quá trình thực hiện chuyển đổi số dưới đây:
-
Tầm nhìn và chiến lược rõ ràng
Một trong những thách thức lớn nhất đối với chuyển đổi số là thiếu tầm nhìn chiến lược và lộ trình cụ thể. Các doanh nghiệp cần phải xác định rõ mục tiêu và kế hoạch hành động cụ thể để đạt được chúng.
-
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên mà còn đảm bảo họ có thể ứng phó với những thay đổi và thách thức mới.
-
Sử dụng các công cụ và chỉ số đánh giá
Việc sử dụng các công cụ và chỉ số đánh giá như SIRI giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số và các bước cần thiết để cải thiện. Điều này giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược và tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực cần thiết.
Khả năng áp dụng kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số trong Quốc tế cho các doanh nghiệp tại Việt Nam
Từ kinh nghiệm đã được nghiên cứu và đúc rút về chuyển đổi số tại các quốc gia trên thế giới, Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp Trường Đại học Ngoại thương cùng các thành viên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo đề tài của Bộ Công thương đã đưa ra một số khả năng có thể áp dụng trong thực tế triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang dần được chú trọng và triển khai ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, các doanh nghiệp cần học hỏi từ những kinh nghiệm quốc tế và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh trong nước.
-
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Việc đào tạo nhân viên về các kỹ năng số và nâng cao năng lực quản lý là rất cần thiết. Các chương trình đào tạo nên được thiết kế phù hợp với từng đối tượng, từ quản lý cấp cao đến nhân viên.
-
Sử dụng các công cụ và chỉ số đánh giá
Áp dụng các công cụ và chỉ số đánh giá giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định rõ ràng trạng thái hiện tại và những bước cần thiết để tiến tới mục tiêu chuyển đổi số. Các công cụ này cần được tùy chỉnh để phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp và ngành nghề.
-
Kết nối và hợp tác
Kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và các tổ chức quốc tế là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Các chương trình hợp tác và hỗ trợ từ chính phủ có thể cung cấp các nguồn lực cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Kết luận
Tóm lại, việc triển khai chương trình chuyển đổi số tại Việt Nam cần được thực hiện một cách chiến lược, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh trong nước. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Thực hiện: Trần Ngọc