Mô hình chuỗi giá trị - Tiếp cận sao cho hiệu quả ? - Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp

Mô hình chuỗi giá trị – Tiếp cận sao cho hiệu quả ?

2/5 - (1 bình chọn)

Ngày nay, trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước đổi mới, các doanh nghiệp sử dụng tối đa các nguồn lực của mình để cạnh tranh với các đối thủ khác về giá cả, chất lượng sản phẩm, chiến lược Marketing và lòng trung thành của khách hàng. Một trong những công cụ có giá trị và đem lại nhiều hiệu quả nhất, đó là mô hình chuỗi giá trị  nội bộ (Value Chain) cho phép các doanh nghiệp có thể đạt được lợi thế so với đối thủ cạnh tranh.

Mô hình chuỗi giá trị là gì?

Chuỗi giá trị, hay còn được biết đến là chuỗi giá trị phân tích, là một khái niệm từ quản lý kinh doanh đã được Michael Porter mô tả và phổ cập lần đầu tiên vào năm 1985 trong một cuốn sách về phân tích lợi thế cạnh tranh của ông: “ Chuỗi giá trị là chuỗi của các hoạt động của một công ty hoạt động trong một ngành cụ thể. Sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động của chuỗi theo thứ tự và tại mỗi hoạt động sản xuất thu được một số giá trị nào đó. Chuỗi các hoạt động mang lại sản phẩm nhiều giá trị gia tăng hơn tổng giá trị gia tăng của các hoạt động cộng lại.

Nói cách khác, mô hình chuỗi giá trị của doanh nghiệp là đầy đủ các hoạt động – bao gồm thiết kế, sản xuất, marketing và phân phối. Các doanh nghiệp tiến hành đưa sản phẩm hoặc dịch vụ từ Concept đến bước cuối giao hàng. Đối với các công ty sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị bắt đầu với nguyên liệu được sử dụng để sản xuất sản phẩm của họ và bao gồm các yếu tố khác được thêm vào trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Quản lý chuỗi giá trị là quá trình tổ chức các hoạt động này để phân tích chúng một cách chính xác. Mục đích của việc làm này là để thiết lập thông tin liên lạc giữa người quản lý của từng giai đoạn để đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng một cách liền mạch nhất có thể.

Ý nghĩa về mô hình chuỗi giá trị?

1. Xác định được điểm mạnh điểm yếu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lựa chọn được lĩnh vực đầu tư và chớp thời cơ.

2. Xác định lợi thế cạnh tranh của DN

3. Làm quá trình tổ chức thực hiện được tốt hơn.

4. Làm tăng giá trị cho khách hàng

5. Làm hiệu quả hoạt động chung tăng lên nhờ có cơ sở lựa chọn chiến lược, lĩnh vực đầu tư và thực hiện.

22 2

Phân tích mô hình chuỗi giá trị bên trong tổ chức giúp bạn nhận ra cách bạn có thể giảm chi phí, tối ưu hóa công sức, loại bỏ khoản hao phí và tăng lợi nhuận. Một doanh nghiệp có thể bắt đầu áp dụng chuỗi giá trị bằng cách xác định từng phần của quy trình sản xuất và trong một số trường hợp, các bước có thể được loại bỏ hoặc được cải tiến. Khi làm như vậy, các doanh nghiệp có thể xác định giá trị tốt nhất nằm ở đâu với khách hàng và mở rộng hoặc cải thiện các giá trị, dẫn đến tiết kiệm chi phí hoặc nâng cao sản xuất. Vào cuối quy trình, khách hàng có thể nhận được các sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp hơn.

Mô hình chuỗi giá trị của Michael Porter

Michael E. Porter của Harvard Business School là người đầu tiên giới thiệu khái niệm về chuỗi giá trị. Porter đã viết:

“Lợi thế cạnh tranh không thể được hiểu bằng cách nhìn vào một công ty như một toàn thể. Nó xuất phát từ nhiều hoạt động rời rạc mà công ty thực hiện trong việc thiết kế, sản xuất, tiếp thị, phân phối và hỗ trợ sản phẩm của mình. Mỗi hoạt động này có thể đóng góp vào vị trí chi phí tương đối của doanh nghiệp và tạo cơ sở cho sự khác biệt”.

Trong cuốn sách của mình, Porter chia hoạt động của một doanh nghiệp thành hai loại: hoạt động chính và hỗ trợ.

33 2

Các hoạt động chính bao gồm:

  • Vận chuyển đầu vào (Inbound Logistics): là việc tiếp nhận, lưu trữ và phân phối nguyên liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất.
  • Chế tạo (Operations): là giai đoạn mà nguyên liệu thô được chuyển thành sản phẩm cuối cùng.
  • Vận chuyển đầu ra (Outbound Logistics): là phân phối sản phẩm cuối cùng cho người tiêu dùng.
  • Tiếp thị và bán hàng (Marketing and Sales): liên quan đến quảng cáo, khuyến mãi, tổ chức bán hàng, kênh phân phối, định giá và quản lý sản phẩm cuối cùng để đảm bảo nhắm được mục tiêu đến các nhóm người tiêu dùng thích hợp.
  • Dịch vụ (Service): là các hoạt động cần thiết để duy trì hiệu suất của sản phẩm sau khi sản phẩm được sản xuất và bao gồm những yếu tố như cài đặt, đào tạo, bảo trì, sửa chữa, bảo hành và dịch vụ sau bán hàng.

Các hoạt động hỗ trợ giúp các chức năng chính bao gồm:

  • Mua hàng (Procurement): là làm thế nào để kiếm được các nguyên liệu thô cho sản phẩm.
  • Phát triển công nghệ (Technology development): có thể được sử dụng trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển, trong quá trình các sản phẩm mới được phát triển, thiết kế, và trong quá trình tự động hóa.
  • Quản lý nguồn nhân lực (Human resource management): bao gồm các hoạt động liên quan đến tuyển dụng và giữ chân nhân viên phù hợp để giúp thiết kế, xây dựng và tiếp thị sản phẩm.
  • Cơ sở hạ tầng doanh nghiệp (Firm infrastructure): là liên quan đến việc cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý, lập kế hoạch, kế toán, tài chính và kiểm soát chất lượng của tổ chức.

Phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị

Có hai cách tiếp cận khác nhau để phân tích chuỗi giá trị: lợi thế về chi phí và sự khác biệt.

  • Lợi thế về chi phí: Sau khi xác định các hoạt động chính và hoạt động hỗ trợ, các doanh nghiệp sẽ có thể xác định được chi phí cho từng hoạt động của mình. Đối với những hoạt động cần nhiều nguồn lực lao động, chi phí có thể bao gồm giờ làm việc, mức lương, tốc độ công việc… Ngoài ra, xác định mối liên hệ giữa các hoạt động là việc làm cần thiết của các doanh nghiệp, vì nếu chi phí giảm trong một lĩnh vực, chúng có thể được giảm ở các lĩnh vực khác. Các doanh nghiệp sau đó có thể xác định các cơ hội để giảm chi phí.
  • Lợi thế về sự khác biệt: Tiếp cận theo cách này, việc xác định các hoạt động tạo ra giá trị cao nhất cho khách hàng là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Chúng có thể bao gồm việc sử dụng các chiến lược Marketing, sự hiểu biết về sản phẩm và hệ thống, việc trả lời điện thoại nhanh và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. Sau đó, cấc doanh nghiệp cần đánh giá các chiến lược này để cải thiện giá trị. Tập trung vào dịch vụ khách hàng, tùy chọn để tùy chỉnh sản phẩm hoặc nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp ưu đãi, và thêm các tính năng sản phẩm là một số trong những cách để cải thiện giá trị. Cuối cùng, các doanh nghiệp nên xác định xem sự khác biệt nào có thể duy trì và tăng thêm nhiều giá trị nhất.

Mục tiêu và kết quả

Mô hình chuỗi giá trị sẽ giúp các doanh nghiệp xác định các yếu tố có thể được tối ưu hóa để đạt hiệu quả tối đa và khả năng sinh lời. Điều quan trọng nhất là để giữ cho khách hàng cảm thấy tự tin, an toàn và trung thành với doanh nghiệp. Bằng cách phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm và tính hiệu quả của dịch vụ, cùng với sự tối ưu hóa chi phí, một doanh nghiệp có thể tìm và thực hiện các chiến lược để việc kinh doanh trở nên tốt hơn.

Nguồn: https://marketingai.admicro.vn/mo-hinh-chuoi-gia-tri-cua-michael-porter/