THỊ TRƯỜNG CHUYỂN PHÁT CẠNH TRANH QUYẾT LIỆT TRONG THỜI COVID-19 - Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp

THỊ TRƯỜNG CHUYỂN PHÁT CẠNH TRANH QUYẾT LIỆT TRONG THỜI COVID-19

Đánh giá bài đăng này post

Thị trường giao hàng Việt Nam thời gian qua tăng trưởng mạnh mẽ phần lớn nhờ thương mại điện tử. Từ khi đại dịch bùng phát, nhu cầu mua sắm trên các trang TMĐT ngày càng cao.

Đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ ấy là những đòi hỏi ngày càng cao về đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến để không bị tụt lại trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. 

Với tốc độ tăng trưởng được dự đoán trung bình khoảng 29%/năm, thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng và đạt mốc 52 tỷ USD vào năm 2025. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng bưu gửi đã đạt trên 590 triệu, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Nguyễn Hồng Long, Trưởng Ban Dịch vụ Bưu chính, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), nhu cầu chuyển phát hàng hóa sẽ ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh các đơn vị đã xác lập thị phần trong ngành bưu chính chuyển phát, logistics như là Bưu điện Việt Nam, Viettel Post hay Giao hàng tiết kiệm… sẽ có những cái tên mới đến từ nước ngoài như BEST Inc, Tencent, Alibaba,…, khiến thị trường trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Ông Nguyễn Hồng Long cho biết: “Các doanh nghiệp lớn như Vietnam Post sẽ chú trọng vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tối ưu và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, hướng nhiều hơn đến nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí cho khách hàng. Các doanh nghiệp mới có thể chú trọng vào việc mở rộng thị phần và các chiến lược về giá dịch vụ để tạo dựng thương hiệu.

Ngoài các dịch vụ cơ bản như chuyển phát truyền thống, chuyển phát nhanh hay chuyển phát thương mại điện tử, thì các dịch vụ mang xu hướng cá nhân hóa như giao hàng một phần, giao hàng trong ngày, giao hàng theo thời gian mong muốn cũng sẽ được phát triển để đáp ứng nhu cầu của thị trường thời thương mại số”.

PGS. TSKH. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp, Trường đại học Ngoại thương cho rằng, kinh doanh trực tuyến sẽ tiếp đà phát triển mạnh mẽ bởi dự báo trong năm 2022, dịch COVID-19 khó có thể đẩy lùi trên phạm vi toàn cầu, và những mô hình kinh doanh mới đang tạo ra tạo ra thói quen tiêu dùng mới, như mô hình đa kênh, mô hình “Online – To – Offline” (thu hút khách hàng tiềm năng từ các kênh trực tuyến đến cửa hàng thực tế),…Thời cơ có thể nhìn thấy rõ nhưng thách thức với các doanh nghiệp logistics Việt Nam nói chung và các đơn vị chuyển phát nói riêng là không nhỏ:

“Lĩnh vực thứ nhất là hạ tầng logistics, cái này không phải “bài toán” của doanh nghiệp, mà là chiến lược quốc gia. Hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, khiến giá logistics nội địa rất cao.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp, đòi hỏi có sự đầu tư, nâng cấp. Mình phải làm chủ được hạ tầng, quản lý nó hiệu quả hơn để giảm chi phí, mở rộng công nghệ một cách thông minh và linh hoạt.

Thứ ba là mạng dịch vụ, bởi logistics bây giờ là đồng bộ, trọn gói. Nếu liên kết mạng lưới giữa các nhà logistics theo các địa phương thì có thể phối hợp, đối phó với tình trạng “đứt gãy” dòng di chuyển”.

Khác với giao nhận truyền thống là chỉ vận chuyển hàng hóa, dịch vụ giao hàng nhanh cần đáp ứng rất nhiều yếu tố đặc thù như: thời gian giao nhận rút ngắn tối đa, thay vì dăm ba ngày như trước thì nay có thể chỉ trong vài giờ đồng hồ; hỗ trợ thanh toán COD (thu hộ tiền hàng); dịch vụ tích hợp vào hệ thống online của người bán,…

Do vậy, theo PGS. TSKH. Nguyễn Văn Minh, chất lượng dịch vụ là yếu tố quyết định sự “sống còn” của các doanh nghiệp chuyển phát trong thời đại số, bởi chỉ cần một dịch vụ không tốt sẽ được khách hàng phản hồi ngay lập tức trong mạng lưới và thông tin lan tỏa nhanh chóng, rộng rãi trong cộng đồng.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, dịch vụ chuyển phát sẽ phát triển song hành thương mại điện tử, trong bối cảnh người tiêu dùng mua sắm ngày càng “chuyên nghiệp” hơn, và cả khách hàng lẫn đối tác đều đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng dịch vụ.

Do vậy, sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ bản thân doanh nghiệp là yếu tố tiên quyết, nhất là trong trường hợp vận chuyển hàng hóa cho các trang thương mại điện tử tầm cỡ quốc tế như Amazon hay Alibaba…

“Đầu tiên là những hợp đồng hợp tác lâu dài với cơ sở kinh doanh thương mại điện tử có uy tín, tránh trường hợp ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, gây ra những tranh cãi không đáng có.

Thứ hai là phải tính toán làm sao giảm bớt chi phí vận chuyển để tăng tính cạnh tranh. Thứ ba là rút ngắn thời gian giao hàng.

Thứ tư, phải có quy trình để phù hợp với điều kiện nếu dịch bệnh phức tạp hơn nữa để tiếp tục duy trì hoạt động, phải có chính sách với người lao động trong trường hợp rủi ro”.

Trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường chuyển phát và sự canh tranh ngày càng khốc liệt, các đơn vị, doanh nghiệp cũng đang chuyển mình để thích ứng với bối cảnh mới.

Ông Nguyễn Hồng Long, Trưởng Ban Dịch vụ Bưu chính, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cho biết: “Vietnam Post đã triển khai dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử mới với chính sách giá tốt và thời gian giao hàng được tối ưu. Chú trọng đầu tư, thiết lập các trung tâm về logistics đồng bộ theo các trục khu công nghiệp lớn tại các khu vực kinh tế trọng điểm.

Trang bị hệ thống dây chuyền chia – chọn tự động với công suất hàng chục nghìn bưu gửi/giờ. Đồng thời tích hợp với các hệ thống công nghệ thông tin như bản đồ số Vmap, mã địa chỉ bưu chính Vpostcode,… Xây dựng quy trình liên hoàn, đồng bộ đến khách hàng”.

Đơn vị có hạ tầng lớn thứ hai tại Việt Nam sau Vietnam Post là Viettel Post. Cách đây 4 năm, Viettel Post là công ty chuyển phát trong nước đầu tiên phát triển ứng dụng theo dõi đơn hàng trên smartphone dành riêng cho khách hàng.

Các đơn vị khác như Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Ahamove,… hiện cũng đã mở rộng mạng lưới đến tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước.

Sự phát triển của dịch vụ chuyển phát là xu thế tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ kỹ thuật số ngày càng phát triển sâu rộng và dịch bệnh trên toàn thế giới vẫn còn diễn biến khó lường.

Tuy nhiên, thời cơ lớn đi kèm với nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của bản thân doanh nghiệp nếu như không muốn bị đào thải khỏi “guồng quay” khốc liệt của thị trường.

Chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên mọi nền tảng truyền thông của các trang thương mại điện tử lớn đang ngày càng thu hút nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, tham gia vào các đợt “săn sale” diễn ra hằng tháng. Người mua hàng dần nhớ mặt các shipper, và không khó để họ có thể kể tên những đơn vị chuyển phát đang hoạt động.

Thị trường “màu mỡ” đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, kéo theo đó là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Ngoài 3 doanh nghiệp lớn là Vietnam Post, Viettel Post và Giao hàng tiết kiệm chiếm hơn một nửa thị phần, hầu hết doanh nghiệp đều ghi nhận con số lỗ lớn trong năm 2020, như Giao hàng nhanh lỗ 93 tỷ đồng, Ahamove lỗ 18 tỷ, Lalamove lỗ gần 40 tỷ, đặc biệt, J&T Express, doanh nghiệp đến từ Indonesia, lỗ tới 493 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp lớn có thị phần và lợi nhuận cao bởi họ là những người tiên phong trong thị trường chuyển phát nhanh, đồng thời mạnh về công nghệ. Và bài học cho những người đi sau là suy nghĩ thật kỹ trước khi “bước chân” vào thị trường, còn nếu gia nhập thì cần chuẩn bị sẵn một chiến lược bài bản.

Đầu tiên là chú trọng nghiên cứu thị trường để xác định đối tượng khách hàng, phạm vi hoạt động, từ đó có sự đầu tư cho phù hợp.

Thứ hai là chú trọng quản trị doanh nghiệp để tiết giảm chi phí và tối ưu nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong tất cả hoạt động.

Thứ ba, phương châm “khách hàng là thượng đế” cần được coi là “kim chỉ nam”, cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ; có bộ phận chăm sóc khách hàng, đối tác và xử lý khủng hoảng.

Thứ tư, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, công tác phòng, chống dịch cần được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, đi kèm với đó là việc chăm lo đời sống người lao động để hoạt động của doanh nghiệp không bị “đứt gãy”, gián đoạn.

Đi cùng với sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, không thể thiếu sự đồng hành của các cơ quan quản lý. Nhiều năm qua, những hạn chế của doanh nghiệp logistics Việt Nam nói chung, trong đó có doanh nghiệp chuyển phát, đã được được chỉ ra là thiếu các kho hàng chuyên dụng, thiếu phương tiện vận chuyển và ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý vận hành; nguồn nhân chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Chính vì vậy, chính phủ và các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa các kế hoạch phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, cảng hàng không, cảng biển và cảng nội địa; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt thuế, phí, đất đai và các điều kiện khác, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch.

Đồng thời, việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động có trình độ cao, cần được đẩy mạnh và mở rộng trên phạm vi cả nước để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới. Dịch vụ chuyển phát là một phần quan trọng của logistics, và logistics được xem là ngành thương mại huyết mạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Cần đặt logistics vào trọng tâm trong các chính sách đầu tư để đảm bảo tốt quá trình lưu thông hàng hóa nội địa và quốc tế.

Nguồn: vovgiaothong.vn