03 HIỆU ỨNG HÀNH VI ẢNH HƯỞNG TỚI HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH - Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp

03 HIỆU ỨNG HÀNH VI ẢNH HƯỞNG TỚI HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

03 Hiệu ứng hành vi ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư tài chính
Đánh giá bài đăng này post

Khám phá sâu hơn vào thế giới phức tạp của đầu tư tài chính với bài viết để hiểu rõ cách những hiệu ứng tâm lý ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, chọn lọc danh mục tài sản và quản lý tài chính cá nhân hoặc kinh doanh một cách thông minh.

Hãy cùng Viện EIT tìm ra cách vượt qua những thách thức do các yếu tố này mang lại và tối ưu hóa chiến lược tài chính.

03 Hiệu ứng hành vi ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư tài chính

Hình minh họa: 03 Hiệu ứng hành vi ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư tài chính

1. Định nghĩa thiên kiến và giải pháp kinh nghiệm theo tài chính hành vi:

Theo lập luận của tài chính hành vi, hai vấn đề lớn nhất mà con người có thể tự gây ra cho chính mình là các giải pháp kinh nghiệm (heuristics) và thiên kiến (bias).

Khi gặp phải vấn đề cần giải quyết, chúng ta sẽ phải đưa ra một quyết định tối ưu, bằng cách cân bằng tất cả các yếu tố đầu vào. Một vấn đề càng khó, thì các yếu tố đầu vào càng nhiều, khiến việc tìm ra một quyết định tối ưu càng trở nên mệt mỏi. 

“Thiên kiến” (bias) là sự sai lệch trong quyết định và đánh giá của con người do ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý, thông tin hoặc định kiến cá nhân.Trong khi giải pháp kinh nghiệm mang tính chủ động, thì thiên kiến lại sinh ra một cách thụ động, chúng ta không tự nhận ra được. Những thiên kiến hành vi sẽ tác động khiến nhà đầu tư bị đi lệch khỏi mục tiêu chính là tối đa hoá giá trị. Ranh giới giữa thiên kiến và giải pháp kinh nghiệm là không rõ ràng, do vậy để đơn giản chúng ta có thể gọi chúng với một cái tên chung là hiệu ứng.

2. Ba hiệu ứng nổi bật tác động tới hoạt động đầu tư tài chính

2.1. Disposition effect – Hiệu ứng nghịch hướng

Hiệu ứng nghịch hướng đề cập đến xu hướng của chúng ta sớm chốt lãi khi một khoản đầu tư đã sinh lợi, trong khi giữ khoản đầu tư đang thua lỗ một cách quá lâu. Chúng ta muốn bán các khoản đầu tư đã sinh lợi của mình để đảm bảo lợi nhuận, nhưng không thích bán các khoản đầu tư thua lỗ với hy vọng biến chúng thành lãi.

Nền tảng của hiệu ứng nghịch hướng là thuyết viễn cảnh (Prospect theory), phản bác lại quan điểm của kinh tế học cổ điển là đường lợi ích của một người là đường cong với độ dốc giảm dần. Với lý thuyết viễn cảnh, Kahneman và Tversky đề xuất một mô hình  khác, phản ánh việc con người phải lựa chọn khi đối mặt với 3 yếu  tố: rủi ro (risk), không chắc chắn (uncertainty) hoặc mơ hồ  (ambiguity). Ví dụ về nghịch lý Allais ở trên giúp minh họa rõ ràng sự khác biệt của chúng ta trong miền lỗ và miền lãi (được và mất).

Đây là một trong những thiên kiến có thể xóa bỏ được thông qua nhận thức về những cạm bẫy của nó.

  • Thiết lập chiến thuật và nguyên tắc đầu tư rõ ràng
  • Luyện cách buông các khoản đầu tư lỗ và giữ các khoản đầu tư lãi một cách lý
  • trí, thông qua các kỹ thuật phân tích cơ bản
  • Sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính đáng tin cậy
  • Luôn đa dạng hóa danh mục đầu tư

03 hiệu ứng hành vi tác động tới hoạt động đầu tư tài chính

Hình ảnh minh họa: Hiệu ứng nghịch hướng (Nguồn Internet)

2.2. Anchoring effect – Hiệu ứng điểm neo

Thiên kiến điểm neo là một thiên kiến nhận thức khiến chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào những thông tin đầu tiên nhận được.  Khi lập một kế hoạch hoặc tính toán, chúng ta diễn giải thông tin mới hơn từ điểm tham chiếu neo, thay vì nhìn nhận nó một cách khách quan. Điều này có thể làm sai lệch nhận định và khiến chúng ta không thể cập nhật các kế hoạch hoặc tính toán của mình nhiều nhất có thể.

Thiên kiến điểm neo là một trong những thiên kiến mạnh mẽ nhất trong tâm lý học. 

Có hai cách tiếp cận về hiệu ứng neo: 

Giả thuyết neo và hiệu chỉnh: Lời giải thích ban đầu là khi mọi người cố gắng đưa ra các ước tính, họ bắt đầu với một xuất phát, và sau đó điều chỉnh từ đó. Hiệu ứng neo xảy ra bởi vì mức độ điều chỉnh thường không đủ lớn, dẫn chúng ta đến các quyết định không chính xác.

Giả thuyết  khả năng tiếp cận có chọn lọc: Dựa trên lý thuyết về hiệu ứng mồi (priming), khả năng tiếp cận có chọn lọc (selective accessibility) đề xuất rằng khi đưa ra một điểm neo, chúng ta sẽ đánh giá xem điểm neo đó có phải là đáp án cho câu hỏi hay không. Nếu không phải, ta chuyển sang một phỏng đoán khác, cân nhắc tới các thuộc tính liên quan của điểm neo. Tuy nhiên, khi cân nhắc câu trả lời mới, nó sẽ tương tự với cái mồi ban đầu.

Thiên kiến điểm neo là một trong những thiên kiến nhận thức phổ  biến nhất. Thiên kiến này có thể làm lệch quan điểm của chúng ta và khiến chúng ta neo mình vào một con số cụ thể, ngay cả khi nó không hợp lý.

Thiên kiến điểm neo có thể dẫn đến một số hiệu ứng khác. Một ví dụ trong số này là sai lầm lập kế hoạch (planning fallacy), một thiên kiến mô tả cách chúng ta có xu hướng đánh giá thấp thời gian chúng ta cần để hoàn thành một nhiệm vụ, cũng như chi phí của việc đó. Khi đặt ra kế hoạch ban đầu để hoàn thành một dự án, chúng ta có thể bị ràng buộc vào nó, do đó khiến chúng ta không muốn cập nhật kế hoạch của mình –  ngay cả khi rõ ràng rằng sẽ cần thêm thời gian hoặc ngân sách cao hơn.

Tránh hoàn toàn thiên kiến điểm neo có lẽ là không thể, vì nó quá phổ biến và mạnh mẽ. Nó xảy ra trong tiềm thức, và khi một người không nhận thức được điều gì đang xảy ra, rất khó để làm gián đoạn nó. Thậm chí một số chiến lược nghe có vẻ như là cách tốt để tránh thiên kiến có thể không hiệu quả với hiệu ứng neo. Ví dụ như suy nghĩ càng nhiều về một điểm neo thực sự có thể làm cho hiệu ứng này mạnh hơn. Một chiến lược khả thi là đưa ra lập luận tại sao điểm neo đó không phù hợp với tình huống. Xem xét các lựa chọn thay thế luôn là một ý tưởng tốt. Chiến lược này tương tự như chiến lược Red Teaming (chỉ định những người phản đối và thách thức các ý tưởng của một nhóm). Bằng cách xây dựng một bước dành riêng cho việc chỉ ra những điểm yếu của một kế hoạch và xem xét các giải pháp thay thế, có thể giảm bớt ảnh hưởng của hiệu ứng neo.

03 hiệu ứng hành vi ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư tài chính

Hình ảnh minh họa: Hiệu ứng điểm neo (Nguồn Internet)

2.3. Availability heuristics – Hiệu ứng khả dụng

Giải pháp kinh nghiệm theo tính khả dụng là xu hướng sử dụng thông tin mà chúng ta có thể nghĩ đến một cách nhanh chóng và dễ dàng khi đưa ra quyết định. Để cho đơn giản, ta sẽ gọi nó là hiệu ứng khả dụng.

Hiệu ứng khả dụng tồn tại bởi vì một số ký ức và sự kiện được truy xuất một cách tự nhiên, trong khi những ký ức khác cần nỗ lực và suy ngẫm để được nhớ lại. Một số ký ức sẽ được dễ dàng gọi ra vì hai lý do chính: chúng xảy ra thường xuyên hoặc chúng để lại dấu ấn trong tâm trí chúng ta. Do tính chất này nên đôi khi hiệu ứng khả dụng có thể bị lẫn với hiệu ứng thời điểm gần (recency bias), mô tả việc chúng ta đặt trọng số nặng hơn cho những gì xảy ra gần đây hơn khi cân nhắc để đánh giá một vấn đề hoặc đưa ra một quyết định.

Hiệu ứng khả dụng tồn tại mạnh mẽ không chỉ trong đầu tư mà còn trong hầu hết các lĩnh vực chuyên môn và nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày của một người. Chúng ta phải đưa ra hàng nghìn quyết định mỗi ngày và các yếu tố như mức độ phủ sóng của phương tiện truyền thông, phản ứng cảm xúc và hình ảnh sống động có ảnh hưởng lớn hơn so với tính toán duy lý. Do cơ chế tự nhiên, chúng ta có xu hướng lạm dụng đường tắt, đôi khi chỉ đơn giản là vì còn quá nhiều quyết định khác phải đưa ra, nếu có lối thoát nhanh để đóng lại vấn đề này, tại sao không dùng?

Mặc dù nhận thức về hiệu ứng khả dụng không đủ để thay đổi quá trình suy nghĩ, nhưng nó giúp chúng ta bình tĩnh và có cái nhìn toàn diện hơn khi đưa ra các quyết định.  Nhà đầu tư có thể cân nhắc những phương pháp sau: 

  • Tìm kiếm thông tin và dữ liệu đầy đủ và đa dạng để đánh giá các quyết định đầu tư.
  • Sử dụng phương pháp thu thập thông tin một cách có hệ thống và bao quát, 
  • đảm bảo rằng không chỉ tập trung vào những thông tin dễ dàng nhớ và dễ tiếp cận.
  • Đánh giá một cách cân nhắc những trường hợp thành công và thất bại trong đầu tư để có cái nhìn toàn diện hơn và không dựa quá nhiều vào những kỷ niệm dễ nhớ mà có thể dẫn đến quyết định sai lầm.

03 hiệu ứng hành vi ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư tài chính

Hình ảnh minh họa: Hiệu ứng khả dụng (Nguồn Internet)

3. Một số hiệu ứng khác: 

Mental accounting: Là việc chúng ta chia nguồn vốn của mình thành nhiều tài khoản khác nhau trong đầu và với mỗi một tài khoản, ta lại dùng nó theo một phong cách khác nhau.

Optimism bias: Là việc chúng ta chỉ nhìn nhận mặt tốt của dự án đang triển khai mà không đánh giá đầy đủ, ví dụ như thay vì phân tích SWOT chúng ta dừng lại ở O.

Overconfidence bias: Là việc chúng ta tự đặt mình ở nửa trên bảng xếp hạng, và dẫn đến việc đánh giá không đúng cuộc chơi

Hindsight bias: Là việc chúng ta có khả năng tiên tri, khi mọi việc đã xảy. Nó là một trong những tiền đề gây nên tự tin thái quá.

The base rate fallacy: Chúng ta đánh giá một sự kiện, một dự án hoặc một nhân sự mà không đặt nó vào bối cảnh của base rate, dẫn đến việc lựa chọn không phù hợp.

Escalation of commitment: Cơ bản là khi chúng ta càng bảo vệ một quan điểm nào thì chúng ta càng tin là nó đúng, và khi đó mức cam kết của chúng ta với quan điểm đó càng lúc càng leo thang.

Thế giới của tài chính hành vi và các hiệu ứng mà bộ não của con người có thể đem lại cho chúng ta là rất nhiều (hiện nay con số các thiên kiến và giải pháp kinh nghiệm được liệt kê đã lên tới hơn 300). Sự sinh ra của các hiệu ứng này là để làm cho chúng ta thích ứng, nhưng lạm dụng nó thì sẽ khiến chúng ta dễ rơi vào sai lầm. Vấn đề lớn của tài chính hành vi là có thể nhận thức, nhưng cực kỳ khó để tránh, nó đòi hỏi sự quyết tâm, kỷ luật cao độ và vì vậy dễ tạo ra sự mệt mỏi. Chính vì vậy, mỗi nhà đầu tư hãy luôn tỉnh táo và sẵn sàng đối mặt với các thách thức mà hiệu ứng tâm lý trong lĩnh vực tài chính mang lại như đã nêu trên, từ đó có thể đưa ra những quyết định thông minh và xây dựng cơ sở tài chính vững mạnh cho tương lai.

Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp (iEIT) hy vọng rằng thông qua bài viết này độc giả thu nạp thêm nhiều kiến thức hữu ích. Các bạn đừng quên theo dõi Website Viện EIT để cập nhật thêm thông tin hữu ích nhé!

One thought on “03 HIỆU ỨNG HÀNH VI ẢNH HƯỞNG TỚI HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

  1. Pingback: ĐẦU TƯ LÀ GÌ? CÁC HÌNH THỨC ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH PHỔ BIẾN - Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *