Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày nay, việc xây dựng thương hiệu mạnh mẽ là yếu tố then chốt dẫn đến thành công cho doanh nghiệp. Branding đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng sự khác biệt, thu hút khách hàng, và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp. Bài viết này sẽ chia sẻ 7 chìa khóa vàng giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hiệu quả.
1. Branding là gì?
Branding, hay còn gọi là xây dựng thương hiệu, là một hành trình dài hướng đến mục tiêu tạo dựng nhận thức tích cực và mạnh mẽ về công ty, sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng. Nó không chỉ đơn thuần là việc tạo ra một logo hay slogan ấn tượng, mà còn là một quá trình bài bản bao gồm xác định, tạo ra và quản lý các tài sản thương hiệu một cách hiệu quả.
Branding là một hành trình dài hạn đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, tiền bạc và cả công sức. Để thành công, doanh nghiệp cần có một kế hoạch rõ ràng, bài bản, đồng thời phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận, đặc biệt là đội ngũ Marketing.
2. Vai trò của Branding
Có thể nói, bỏ qua việc xây dựng thương hiệu đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã bỏ lỡ cơ hội phát triển và cạnh tranh hiệu quả. Dưới đây là một số lý do quan trọng giải thích tại sao doanh nghiệp cần phải xây dựng thương hiệu:
Nâng cao nhận thức thương hiệu
Thương hiệu là cầu nối giữa khách hàng và doanh nghiệp, tạo ra sự gắn kết về cảm xúc và lý trí, tăng cường sự tin tưởng và trung thành của khách hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh truyền thông trực tuyến ngày một phát triển và thông tin ngập tràn, việc tạo dựng thương hiệu gặp nhiều thách thức.
Vì thế, một chiến lược branding hiệu quả sẽ giúp nâng cao nhận thức của khách hàng về thương hiệu. Ví dụ, một thương hiệu có logo riêng biệt, thông điệp sáng tạo sẽ thu hút và khắc ghi thương hiệu vào tâm trí khách hàng. Nhận thức thương hiệu là kết quả của quá trình xây dựng thương hiệu thành công.
Apple là một thương hiệu thành công trong việc xây dựng nhận biết về thương hiệu thông qua logo biểu tượng quả táo cắn dở, khi khách hàng nhìn thấy biểu tượng này sẽ liên hệ ngay đến Apple và sản phẩm của nó.
Tạo sự khác biệt với những doanh nghiệp khác trên thị trường
Trong thị trường bão hòa với vô số sản phẩm và dịch vụ tương tự nhau, thương hiệu mạnh mẽ giúp doanh nghiệp nổi bật giữa đám đông và thu hút sự chú ý của khách hàng.
Chiến dịch “Get a Mac” của Apple là một trong những ví dụ nổi tiếng về branding thành công và tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Trong chiến dịch này Apple đã khéo léo mượn hai nhân vật có hình tượng đối lập nhau để đề cao những đặc tính của chiếc Mac so với PC bằng những tình huống vô cùng hài hước.
Video quảng cáo miêu tả anh chàng Mac là một chàng trai trẻ, năng động và sành điệu, đối ngược với Mac là anh chàng PC mập mạp với dáng vẻ chậm chạp, khoác trên mình một bộ vest trông lỗi thời và già nua. Thông qua quảng cáo này, Apple muốn nhấn sâu vào tâm trí khách hàng suy nghĩ “một chiếc PC lỗi thời lề mề, chập chạm không thể so sánh với chiếc Mac hiện đại, nhỏ gọn, với nhiều tính năng”. Song song đó Apple luôn nhấn mạnh thông điệp: “PC là máy dành cho mẹ bạn dùng, còn Mac là dành cho thế hệ hiện nay”.
Kết quả của chiến dịch này là thị phần của Mac đã tăng từ 2-3% lên đến 6-8% chỉ chưa đầy hai năm kể từ khi chiến dịch diễn ra, trong khi đó Apple cũng đạt được số điểm 70/100 trên BrandIndex (thống kê theo dõi nhận thức tiêu dùng), trong khi đối thủ Microsoft phải chật vật với số điểm dưới cả số 0.
Tạo dựng niềm tin với khách hàng
Xây dựng được thương hiệu đồng nghĩa với tạo dựng uy tín và độ tin cậy. Khách hàng sẽ tin tưởng và lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn nếu bạn đã xây dựng được một thương hiệu đáng tin cậy. Bên cạnh đó, khách hàng cũng sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm hoặc dịch vụ của một thương hiệu mà họ tin tưởng.
3. 7 bước xây dựng thương hiệu (Branding) cho doanh nghiệp
Xây dựng thương hiệu (Branding) là một quá trình quan trọng giúp doanh nghiệp xác định và duy trì hình ảnh tích cực của mình trong mắt khách hàng. Dưới đây là 7 bước để xây dựng một thương hiệu nổi bật và bền vững:
3.1. Phân tích, nghiên cứu, đánh giá thị trường:
Doanh nghiệp cần hiểu rõ về thị trường, đối thủ cạnh tranh, và xu hướng để xác định vị trí. Có một số khía cạnh cần lưu ý khi nghiên cứu thị trường
- Sản phẩm nào đang phổ biến trên thị trường.
- Xu hướng mua hàng của người tiêu dùng hiện nay.
- Chất lượng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp đối thủ.
- Điểm khác biệt của doanh nghiệp đối thủ trên thị trường.
- …
3.2. Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu:
Điều này giúp doanh nghiệp tập trung vào những đối tượng mà mình muốn hướng đến. Nhóm đối tượng mục tiêu (Target Audience) là tập hợp những người có chung các đặc điểm nhân khẩu học, tâm lý và hành vi phù hợp với sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Nếu xác định sai đối tượng khách hàng mục tiêu, tất cả các chiến lược của doanh nghiệp đều trở nên vô ích, ví dụ, sản phẩm mỹ phẩm cao cấp lại xác định đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên, thì cho dù có sử dụng chiến lược branding nào cũng không thể đạt được hiệu quả kinh doanh.
Đọc thêm về 3 sai lầm phổ biến khi xác định chân dung khách hàng TẠI ĐÂY
3.3. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu:
Tạo logo, chọn màu sắc, font chữ, và hình ảnh phù hợp với thương hiệu.
- Logo: Hãy tạo một biểu trưng độc đáo và dễ nhớ cho thương hiệu. Ví dụ, Apple có logo hình quả táo đơn giản và tinh tế.
- Màu sắc: Chọn màu sắc phù hợp với thông điệp và giá trị của thương hiệu. Ví dụ, Coca-Cola sử dụng màu đỏ đậm để tạo ấn tượng mạnh mẽ.
- Font chữ: Lựa chọn font chữ thể hiện tính chất của thương hiệu. Google sử dụng font chữ Product Sans để thể hiện sự hiện đại và thân thiện.
- Hình ảnh: Sử dụng hình ảnh phù hợp với lĩnh vực hoạt động của bạn. Ví dụ, thương hiệu thời trang Zara sử dụng hình ảnh thời trang và phong cách.
3.4. Tuyên bố sứ mệnh và giá trị cốt lõi:
Xác định rõ mục tiêu kinh doanh, tầm nhìn, và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Thông qua sứ mệnh và giá trị cốt lõi có thể diễn tả khát khao và mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến.
3.5. Lập kế hoạch quảng bá thương hiệu:
Lập kế hoạch quảng bá thương hiệu là một công việc quan trọng trong chiến dịch branding, nhằm tăng nhận diện và uy tín của thương hiệu trên thị trường. Doanh nghiệp cần xác định được mục tiêu, đối tượng khách hàng, lợi ích cạnh tranh và chiến lược truyền thông phù hợp với thương hiệu. Doanh nghiệp cũng cần chọn các kênh truyền thông hiệu quả để lan tỏa thông điệp về thương hiệu, như trang web, mạng xã hội, báo chí, sự kiện, quảng cáo, v.v. Ngoài ra,cần lập kế hoạch chi tiết cả online và offline
3.6. Tính nhất quán trên các kênh truyền thông:
Sự nhất quán giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp thương hiệu một cách hiệu quả và tạo dựng hình ảnh thương hiệu rõ ràng trong tâm trí khách hàng. Khi khách hàng tiếp xúc với thông điệp nhất quán từ doanh nghiệp trên nhiều kênh, họ sẽ dễ dàng ghi nhớ và nhận thức về thương hiệu hơn.
3.7. Đánh giá và đo lường kết quả:
Theo dõi hiệu suất của chiến dịch branding và điều chỉnh khi cần thiết.
Như vậy, xây dựng thương hiệu (branding) là một quá trình liên tục và cần sự kiên trì, nỗ lực của toàn thể doanh nghiệp. Bằng cách áp dụng các chiến lược branding hiệu quả, doanh nghiệp có thể tạo dựng được một thương hiệu mạnh mẽ, thu hút khách hàng và đạt được thành công trong kinh doanh.
Đọc thêm về chuyển đổi số để định vị thương hiệu TẠI ĐÂY